TS Lê Đăng Doanh: 'Lạm phát giảm do sức mua của người dân kiệt quệ'
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Kinh tế chưa qua giai đoạn khó khăn nhất"
- Với mức giảm 0,17%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Hà Nội xuống thấp nhất trong vòng 10 năm, CPI ở TPHCM cũng giảm mạnh nhất trong 2 năm xuống còn 0,43%. Còn CPI cả nước lần đầu âm sau 38 tháng. Theo ông, nhưng con số này nói lên điều gì?
Việc chỉ số CPI giảm ở hai thành phố lớn có thể là biểu hiện ban đầu của giảm phát, tức sức mua của đại đa số dân cư đã đến mức kiệt quệ. Cũng không thể phủ nhận mức giảm giá xăng dầu tới 4 lần vừa qua trong vòng 2 tháng cũng tác động không nhỏ tới việc chỉ số giá cả tiêu dùng giảm. Ngoài ra, giá dầu thô và dầu brent trên thế giới giảm mạnh cũng phần nào ảnh hưởng tới các nguyên vật liệu khác làm chỉ số giá cả tiêu dùng xuống thấp.
Mặc dù nền kinh tế mới chỉ có biểu hiện của giảm phát song tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng. Chúng ta không nên "la to" cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng. Việc gấp rút lúc này là cần phải tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giúp kinh tế đi lên.
- Từng là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu năm 2008, nhưng liên tục thụt lùi kể từ 2009 và tới năm nay Việt Nam đã ra khỏi bảng xếp hạng top 30, theo ông vì sao vậy?Tôi cho rằng, sức mua của dân cư sụt giảm nghiêm trọng làm cho thị trường bán lẻ của Việt Nam kém hấp dẫn. Các siêu thị báo cáo giảm doanh số -30%, còn tiểu thương thì đóng cửa sạp trong chợ. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là những mặt hàng xa xỉ như ôtô hạng sang trong mấy tháng gần đây vẫn tăng. Điều này chứng tỏ tầng lớp giàu sang có thể vẫn tiếp tục giàu lên hoặc không bị ảnh hưởng gì bởi suy giảm kinh tế như đại đa số dân cư.
- Ông nhận định thế nào về tác dụng của gói giải pháp 29.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp vừa qua?
Chính phủ đã có Nghị Quyết 13 ngày 10/5 để hỗ trợ doanh nghiệp, song các biện pháp hỗ trợ nhằm vào nhưng doanh nghiệp đang hoạt động chứ chưa giúp hồi phục được các đơn vị đã đóng cửa. Các giải pháp giãn thuế, giảm thuế... chỉ giúp các doanh nghiệp đang có lãi hoặc vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, còn các đơn vị đã ngừng sản xuất thì vô hiệu. Bởi vậy, tôi cho rằng cần có giải pháp mạnh hơn để cứu cả các doanh nghiệp đang hấp hối, trên bờ phá sản.
Vừa rồi, Binafishco cũng được Công ty mua bán nợ (Bộ Tài chính) hỗ trợ. Tôi cho rằng, Quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ mua lại nợ xấu có thể sẽ giúp các doanh nghiệp này vượt qua sự bế tắc trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng thì các quỹ cần hoạt động công khai và có các hiệp hội tham gia.
- Bất động sản một trong những tấm gương thể hiện sức khỏe của nền kinh tế, nhưng vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn, nên làm gì để vực dậy ngành này?
Không thể phủ nhận bất động sản là một trong nhưng thị trường quan trọng của nền kinh tế, là đầu vào của các nguyên vật liệu như sắt, thép, xi măng... Địa ốc phát triển thì các ngành vật liệu khác mới đi lên. Tuy nhiên thị trường bất động sản ở Việt Nam có yếu tố đầu cơ khá lớn, môi giới đua nhau thổi giá. Vì vậy, mặc dù địa ốc giảm giá thì người dân vẫn khó tiếp cận nhà ở. Bởi vậy tôi cho rằng việc trợ giúp thị trường bất động sản phải gắn liền với cải cách nó và đưa ra các biện pháp hạn chế đầu cơ. Nghĩa là chỉ nên xem xét các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn thực sự tránh trường trường hợp vô hình trung kích cầu ảo cho địa ốc đi lên.
- Ông nhận định thế nào khi nhiều người cho rằng những tín hiệu như tăng trưởng tế quý II ước đạt 4,5%, sản xuất công - nông nghiệp tăng cho thấy kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất?
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đã chậm lại rõ rệt, công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí ngành xây dựng còn bị âm. Một số ngành như dệt may, da giày vẫn còn chật vật kiếm đơn hàng từng tháng. Hàng loạt các doanh nghiệp như sắt, thép, xi măng có sản lượng sản xuất giảm, thậm chí có nhiều đơn vị phải đình chỉ hoạt động. Chỉ riêng có ngành điện khả quan vì doanh nghiệp "chết" nhiều, sản xuất khó khăn nên lượng tiêu thụ điện không còn căng thẳng. Tất nhiên cũng phải thừa nhận kinh tế vừa qua có những mặt tích cực như lãi suất giảm, tỷ giá VNĐ ổn định...
Tuy nhiên, khó có thể cho rằng nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108.600 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho cao, doanh nghiệp vẫn còn nợ nhiều và không ít đơn vị phải ngừng sản xuất. Đề án tái cấu trúc nền kinh tế chưa được triển khai, những yếu kém trong đầu tư công, thất thoát và thua lỗ của các tập đoàn kinh tế nhà nước chưa chấm dứt thì không có căn cứ gì để nhận định rằng giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã qua rồi.
- Chính phủ quyết tâm năm nay tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 7-8%, theo ông cơ hội thành công đến đâu?
Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 khoảng 7-8% có thể đạt được do sức mua trong nước giảm sút. Ngoài ra, trên thế giới, giá dầu thô và một số mặt hàng khác cũng giảm.
Còn quyết tâm mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khoảng 6% là không đơn giản, thậm chí rất khó. Bởi quý I, GDP đạt tốc độ 4%, còn quý II dự báo khoảng 4,5%. Như vậy, trong hai quý còn lại của năm, nếu không có quyết tâm cao thì rất khó đạt được mục tiêu. Theo tôi GDP cả năm chỉ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 5-5,5%.
Theo Vne