Dân trí) - Trong tháng 5, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 doanh nghiệp, qua đó đã nâng con số 5 tháng đầu năm lên đến 23.226 doanh nghiệp.

(Dân trí) - Trong tháng 5, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 doanh nghiệp, qua đó đã nâng con số 5 tháng đầu năm lên đến 23.226 doanh nghiệp.
 >> 4 tháng, hơn 16,5 nghìn doanh nghiệp "đóng cửa" giải thể
 >> Khoảng 55.000 doanh nghiệp giải thể năm 2012
 >> 41.200 doanh nghiệp giải thể, tạm đóng cửa từ đầu năm

Hơn 4.600 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động mỗi tháng
Mặc dù các chỉ số về sản xuất cho thấy sự hồi phục nhưng số lượng doanh nghiệp đóng cửa vẫn tăng dần theo thời gian.


Tại Báo cáo phân tích kinh tế Việt Nam tháng 5/2013, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 5, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động là 3.590 doanh nghiệp. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp giải thể phá sản đã lên đến 23.226 doanh nghiệp. Như vậy, 5 tháng song con số doanh nghiệp giải thể phá sản đã bằng một nửa các năm trước: Cả năm 2012 có 53.972 doanh nghiệp; cả năm năm 2011 có 54.198 doanh nghiệp trong diện này.

Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động bình quân theo tháng cũng đang tăng dần kể từ năm 2011. Theo đó, năm 2011 mỗi tháng có 4.498 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động, đến năm 2012 là 4.517 doanh nghiệp và bình quân 5 tháng đầu năm nay là 4.646 doanh nghiệp.

Trong khi đó, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và chưa có sự cải thiện đáng kể. Tính chung 5 tháng đầu năm, mức tăng (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức hàng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 4,8%, hầu như không cải thiện so với mức 4,6% của 4 tháng đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,6% và 6,4% của 5 tháng đầu năm 2012 và 2011.

So cùng kỳ năm trước, mức vận chuyển hàng hoá của 5 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 1,5% và mức luân chuyển hàng hoá thậm chí giảm 3,1%.

Điểm sáng hiếm hoi trong tháng 5 có lẽ là tình hình sản xuất của nền kinh tế mặc dù bị đánh giá còn yếu nhưng đang tích luỹ để dần hồi phục.

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP đang dần trở lại xu hướng tăng với mức cao hơn so với cùng kỳ 2012. Trong đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có mức tăng trưởng khá 5,5% trong 5 tháng đầu năm so với mức 3,8% cùng kỳ 2012, đóng góp tới 80% mức tăng trong phần tăng thêm sản xuất công nghiệp chung.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4 cũng tăng nhẹ lên 51 điểm, là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này tăng điểm, đạt giá trị cao nhất kể từ tháng 5/2012. Qua đó phản ánh, lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng trưởng nhanh hơn, sản lượng sản xuất đang trong xu hướng phát triển.

Theo Dân trí