Các chuyên gia đã thảo luận những vấn đề mới nảy sinh mà Luật Kế toán 2003 chưa quy định...

Các chuyên gia đã thảo luận những vấn đề mới nảy sinh mà Luật Kế toán 2003 chưa quy định...

Hôm qua 15/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành và đánh giá Luật Kế toán 2003.
Luật Kế toán được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004. Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, luật đã bộc lộ một số hạn chế như: quy định của luật chưa tính hết những phát sinh và biến động của nền kinh tế - xã hội, chưa bao trùm hết các hoạt động kế toán trên thực tế và còn có khoảng cách nhất định với thông lệ và nguyên tắc quốc tế về kế toán.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng: Luật Kế toán cần phải được sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến sổ kế toán, tài khoản kế toán, sự can thiệp của nhà nước cũng như chế tài của nhà nước, cần quy định chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn về trách nhiệm pháp lý của những người tổ chức thông tin và cung cấp thông tin.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề mới nảy sinh mà Luật Kế toán 2003 chưa quy định hoặc quy định đầy đủ, liên quan đến dịch vụ kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, hành nghề kế toán, cách thức cung cấp dịch vụ...
Theo Luật gia Đinh Xuân Tiền, Trưởng nhóm rà soát Luật Kế toán 2003, trong lộ trình tham gia Tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam cần sớm sửa đổi, bổ sung 1 số điều khoản trong Luật Kế toán để phù hợp với thông lệ và nguyên tắc quốc tế về kế toán.
“Chúng ta cần phải xem lại toàn bộ những vấn đề chưa tương thích với các chuẩn mực kế toán quốc tế, thí dụ như hệ thống báo cáo tài chính của chúng ta, các chỉ tiêu như vậy đã được chưa, nó có đơn giản không, có bảo đảm minh bạch không, các nước họ áp dụng như thế nào,” Luật gia Tiền nói.
Ông Tiền cho biết thêm: “Một vấn đề nữa là chứng từ điện tử trong giao dịch kế toán. Hiện nay, trong kế toán doanh nghiệp chưa có quy chế về chứng từ điện tử, cho nên vẫn phải sử dụng chứng từ bằng tay, mà chứng từ giấy phát sinh rất nhiều chi phí, kể cả về tiền cũng như về thời gian lao động cho doanh nghiệp. Chúng ta cần phải có nghiên cứu tiếp cận với các nước phát triển để có thể sử dụng chứng từ đó.”./.
Theo VOV