Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào kỷ nguyên mới của đất nước, khi các chính sách quan trọng được triển khai, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vươn lên.

Trong buổi trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, Doanh nhân Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc công ty TNHH Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tại các tỉnh/thành trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia.

Tại tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Hoan là một trong những tấm gương tiêu biểu của thế hệ doanh nhân mới, luôn đi đầu trong công tác thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương. Ông không chỉ là người lãnh đạo tài ba của doanh nghiệp Thanh Tùng, mà còn là người luôn tiên phong trong việc kết nối, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, mạnh mẽ, cùng nhau vượt qua thử thách để khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế quốc gia.

Hoan 1

Doanh nhân Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc công ty TNHH Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên

“Đoàn kết là sức mạnh” của doanh nghiệp

Từ góc nhìn của một lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Hoan luôn coi “doanh nghiệp đoàn kết là sức mạnh” trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Khi các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào cạnh tranh mà còn chủ động hợp tác, chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công nghệ, họ sẽ xây dựng được một lợi thế cạnh tranh vượt trội, tạo nền tảng vững chắc để đứng vững và phát triển trong thị trường khốc liệt ngày nay.

“Chúng ta không thể một mình đi xa được. Sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng là yếu tố cốt lõi giúp chúng ta phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, việc hợp tác chặt chẽ, đặc biệt trong việc chia sẻ công nghệ, thị trường và nguồn lực, là con đường không thể bỏ qua nếu chúng ta muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ,” ông Hoan nhấn mạnh.

Sự đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là việc hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành mà còn là sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đây chính là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, có thể vươn xa ra thế giới, gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

4.jpg

Trong quá trình xây dựng và phát triển, dù gặp phải không ít khó khăn, nhưng chỉ khi các doanh nghiệp cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau mới có thể tạo ra được một cộng đồng kinh tế mạnh mẽ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp, tạo ra một môi trường hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức. Bằng việc thúc đẩy các chương trình hỗ trợ, kết nối đầu tư và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, Hiệp hội góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết và phát triển bền vững.

Kỳ vọng vào “Bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên đang trông đợi vào những đột phá của các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, được coi là “bộ tứ trụ cột”: Nghị quyết số 57, 59, 66 và 68-NQ/TW. Những nghị quyết này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân mà còn tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

thanh tùng

Hoạt động sản xuất của công ty TNHH Thanh Tùng

Ông Nguyễn Văn Hoan cho rằng, đây chính là những bước đột phá quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn vay với lãi suất ưu đãi, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế tư nhân, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững là khả năng tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Chính sách giảm lãi suất 2%/năm là cơ hội “vàng” giúp các doanh nghiệp có thể giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh và đầu tư vào đổi mới công nghệ.

Không chỉ là nguồn vốn, mà các chính sách về khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động.

Không chỉ kỳ vọng vào các Nghị quyết của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cũng đặt niềm tin vào bộ máy lãnh đạo mới của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hoan tin rằng, nếu các Nghị quyết này được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là lực lượng chủ yếu của nền kinh tế tỉnh Hưng Yên, có thể phát triển nhanh chóng và bền vững.

hoan 3

Bộ máy tỉnh Hưng Yên mới, với những cải cách mạnh mẽ và sự đồng lòng từ chính quyền tỉnh, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp. Kỳ vọng rằng, chính quyền tỉnh sẽ sớm hiện thực hóa các Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 bằng cách cung cấp các cơ chế hỗ trợ rõ ràng và thiết thực, đặc biệt là việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay, giảm thuế và cải cách các thủ tục hành chính. Chính quyền tỉnh sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp có thể phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế tỉnh Hưng Yên.

“Việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ là nhiệm vụ của các doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của chính quyền tỉnh và các cơ quan chức năng. Khi các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Hưng Yên và đất nước”, ông Nguyễn Văn Hoan cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (cũ), gần 400 dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thiện được hồ sơ pháp lý, vì vậy chưa được giao đất. Nguyên nhân vướng mắc do phải ký chuyển nhượng và thoải thuận với từng hộ dân. Mặc dù mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã được triển khai, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết để giải quyết vấn đề mặt bằng. Các doanh nghiệp kiến nghị bộ máy hành chính mới cần sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp việc bàn giao mặt bằng diễn ra thuận lợi, từ đó giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh