29/09/2021, 766 lượt xem
Tìm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục chưa có khởi sắc rõ rệt. Hàng tháng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng bình quân 1- 2% so với tháng trước. Tình trạng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động hoặc đình đốn sản xuất vẫn hiện hữu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 nghìn doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đến quý I năm nay, chỉ có 2.947 doanh nghiệp đang hoạt động, bằng 62,66% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp còn lại trong tình trạng ngừng hoạt động hoặc đang làm thủ tục thu hồi giấy phép hoặc có đăng ký sản xuất, kinh doanh nhưng chưa hoạt động, không có trụ sở.
Từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục chưa có khởi sắc rõ rệt. Hàng tháng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng bình quân 1- 2% so với tháng trước. Tình trạng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động hoặc đình đốn sản xuất vẫn hiện hữu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4,5 nghìn doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đến quý I năm nay, chỉ có 2.947 doanh nghiệp đang hoạt động, bằng 62,66% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp còn lại trong tình trạng ngừng hoạt động hoặc đang làm thủ tục thu hồi giấy phép hoặc có đăng ký sản xuất, kinh doanh nhưng chưa hoạt động, không có trụ sở.
Công ty TNHH SUFAT Việt Nam (Yên Mỹ) nỗ lực ổn định sản xuất bảo đảm việc làm cho công nhân |
Những ngày này hoạt động sản xuất ở làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm) không còn sôi động như trước. Ông Lê Văn Phiếu, Chủ tịch Hội làng nghề Đông Mai cho biết: Những tháng đầu năm vừa qua, các doanh nghiệp hội viên của hội làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng theo kiểu “Không được ăn thì lăn lấy gốc”. Doanh thu sản xuất, kinh doanh chỉ bằng 70% so với cùng kỳ những năm trước. Tỷ lệ hàng tồn kho 25% -30%, tăng 10% - 15% so với trước đây. Nguyên nhân là thị trường năm nay bấp bênh, nhất là thị trường Trung Quốc, khiến giá sản phẩm của làng nghề giảm, sản lượng tiêu thụ cũng giảm và không thường xuyên. Trong khi đó các chi phí đầu vào cho sản xuất như: Công lao động, giá điện, cước vận chuyển hàng hóa, giá xăng dầu… lại tăng mạnh.
Tuy chưa lâm vào cảnh đình đốn sản xuất như nhiều doanh nghiệp trong ngành nhưng Công ty cổ phần giầy Hưng Yên (Yên Mỹ) cũng trong tình trạng hoạt động cầm cự. Ông Đặng Văn Chiến, Giám đốc công ty cho biết: Trong tình hình khó khăn hiện nay, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của công ty là giữ ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho công nhân. Do đó công ty phải tiếp tục tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào sản xuất, đồng thời gác lại mục tiêu lợi nhuận, chấp nhận lãi ít để ký được hợp đồng gia công hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1 nghìn lao động.
Tình hình khó khăn của các DNNVV cũng như sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân như: Tác động khách quan của suy thoái kinh tế toàn cầu đến các vấn đề trong điều hành nền kinh tế và cả nguyên nhân chủ quan từ những yếu kém của mỗi doanh nghiệp. Tình hình hiện nay cho thấy, hầu hết DNNVV đang “bị trói bởi hai tròng” là lượng hàng tồn kho ngày một lớn và khó tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó gượng dậy là chi phí đầu vào đã tăng quá cao, giá cả nhiều mặt hàng liên tục tăng mạnh cộng với nợ vốn vay lãi suất cao đã tạo thành gọng kìm siết chặt doanh nghiệp ngày càng kiệt sức.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung giãn, giảm thuế và giảm lãi suất vay vốn ngân hàng. Song theo nhiều doanh nghiệp, việc giảm lãi suất không phát huy được nhiều tác dụng vì chỉ đáp ứng được cho một bộ phận DN có “sức khỏe” tốt, trong khi đó lại không mấy tác dụng đối với phần đông các DN mà tình trạng tài chính không còn đủ chuẩn, hoặc không còn tài sản bảo đảm theo yêu cầu từ phía ngân hàng. Các DNNVV chưa thoát được nợ cũ để vay nguồn vốn mới. Gia hạn nợ chỉ là giải pháp tạm thời để DN quên đi khó khăn chứ không thể khiến DN khỏe lên. Thực tế nhiều DN không còn mặn mà đi vay dù mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm xuống 10%/năm - 11%/năm. Dù đã giảm mạnh lãi suất cho vay với mức thấp nhất 7,5%/năm - 8%/năm, hiện các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn không đẩy được vốn tới doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm nay, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng âm với mức giảm 0,3% so với cuối năm 2012. Với DN, vấn đề sống còn lúc này không nằm ở lãi suất mà ở các khoản nợ phải thanh toán trước khi tính đến khoản vay mới. Tương tự những chính sách giãn, giảm thuế cho DN cũng chỉ là những giải pháp tình thế, mang tính tâm lý nhiều hơn. Vì trong tình hình hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm sút, đa phần các DNNVV có lợi nhuận trước thuế rất ít hoặc không có lợi nhuận thì việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp này cũng không có ý nghĩa nhiều.
Về phía tỉnh cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng rất nỗ lực hỗ trợ DN. Nhưng các giải pháp chủ yếu mới chỉ dừng ở việc giảm tiền thuê đất; tập trung giải quyết các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án lớn, dự án trọng điểm; khuyến khích hỗ trợ DNNVV đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp thương mại; tăng cường các hoạt động khuyến công hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thông qua các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn miễn phí nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý DN; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN, để nghe các DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có những biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời cho DN.
Các giải pháp này đã phần nào chia sẻ khó khăn và hỗ trợ DN nói chung và DNNVV nói riêng giữ ổn định sản xuất. Song vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp và cũng là khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỷ lệ hàng tồn kho cao thì vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được nhiều. Thị trường trong nước từ đầu năm đến nay vẫn trầm lắng do sức mua trong nước giảm sút khá nghiêm trọng. Nếu không có chính sách hỗ trợ DNNVV giải quyết hàng tồn kho thỏa đáng thì nhiều DN sẽ bế tắc, thậm chí giải thể, phá sản. Theo đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động.
Giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khơi thông thị trường. Việc cần làm để hỗ trợ DN là rà soát lại các mặt hàng tiêu dùng tồn kho cao để tìm hướng ra cho sản phẩm. Trước hết là hỗ trợ DNNVV đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu, tăng lượng bán hàng. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội ngành hàng nâng cao vai trò cầu nối thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các DN sản xuất và DN phân phối nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa. Các ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hội chợ, đẩy mạnh các chương trình bình ổn, đưa hàng Việt về nông thôn để kết nối mạnh hơn giữa nhà sản xuất với DN kinh doanh thương mại và người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ thuế, giảm lãi suất cho DN cũng như sớm ban hành các cơ chế hợp lý để DNNVV được thế chấp bằng hàng tồn kho để vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đồng thời bảo đảm yêu cầu về an toàn tín dụng cho hệ thống ngân hàng. Một việc cần kíp nữa là đẩy mạnh đầu tư công kích cầu đầu tư, kích thích tiêu thụ để giải tỏa cho lĩnh vực xây dựng, hạ tầng giao thông… qua đó tạo đầu ra cho sản xuất.
Bên cạnh sự hỗ trợ này thì các DNNVV phải tự đưa ra giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng bằng nhiều cách như khuyến mại, hàng đổi hàng, tận dụng cơ hội giảm giá đầu vào để giảm giá hàng sản xuất. Cùng với đó là phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để sản phẩm có giá thành hạ, chiết khấu hợp lý cho người bán, đẩy mạnh khâu tiếp thị và sản xuất những mặt hàng có sức hút người mua theo từng thời điểm của thị trường, đồng thời chủ động, tăng cường liên kết với các DN để tiêu dùng sản phẩm của nhau.
Đức Long - Báo Hưng Yên