Nguy cơ công nghiệp hoá “chết yểu” vì Trung Quốc
Theo đánh giá của TS Vũ Viết Ngoạn, với 7 chương, dày hơn 400 trang, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm nay do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đã đưa ra nhiều phân tích mang tính phát hiện về kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo này, các chuyên gia kinh tế của VEPR đã chỉ ra sự bất lợi của Việt Nam sau khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và nguy cơ “giải công nghiệp hoá” đã trở nên hiện hữu.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) xung quanh vấn đề này:
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES.
Thưa TS, ông có thể nói rõ hơn về khái niệm “giải công nghiệp hóa”. Tình trạng này đã từng xảy ra ở những quốc gia nào trên thế giới?
Thật ra đây không phải là khái niệm mới mẻ. Ý nghĩa ban đầu xuất phát từ việc các quốc gia phát triển sau khi hoàn thành quá trình công nghiệp hóa bắt đầu chuyển sang phát triển nhằm nâng cao tỉ trọng ngành dịch vụ hiện đại trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, khái niệm giải công nghiệp hóa được chúng tôi sử dụng ở đây mang hàm ý khác. Nó chỉ việc một quốc gia chưa hoàn thành được quá trình công nghiệp hóa thì đã bị tác động, và cuối cùng, không hoàn thành được quá trình này. Nói cách khác, khái niệm giải công nghiệp hóa (de-industrialization) ở đây mang hàm nghĩa công nghiệp hóa “chết yểu”.
Nguồn gốc của quá trình giải công nghiệp hóa “kiểu mới” gắn liền với sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Nhưng cần phải nói ngay rằng, sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc bản thân nó không phải là sự đe dọa đối với các nền kinh tế. Chính sự phát triển tự thân của mỗi nền kinh tế mới quyết định xem sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là sự đe dọa đối với mình hay không.
Nội dung của khái niệm giải công nghiệp hóa “kiểu mới” hoặc “lời nguyền tài nguyên mới” chỉ việc một quốc gia giàu tài nguyên hoặc có trình độ công nghiệp hóa thấp hơn Trung Quốc bị hấp dẫn bởi việc xuất khẩu tài nguyên, hàng hóa thô-sơ chế sang Trung Quốc nên nguồn lực sản xuất trong nước có thể bị dịch chuyển khỏi các ngành công nghiệp hiện có.
Song song với quá trình đó, Trung Quốc lại xuất khẩu hàng công nghiệp thành phẩm có khả năng cạnh tranh rất tốt sang quốc gia xuất khẩu tài nguyên. Kết quả, sản xuất công nghiệp của quốc gia xuất khẩu tài nguyên bị thu hẹp, thậm chí không thể phát triển được, khiến quốc gia đó bị gắn chặt vào việc xuất khẩu tài nguyên và các hàng hóa có hàm lượng kĩ thuật thấp.
Hiện tượng giải công nghiệp hóa có lẽ đã diễn ra ở châu Phi. Trong giai đoạn 2000 – 2008, xuất khẩu dầu thô, khí đốt, nguyên vật liệu và quặng khoáng sản chiếm 86% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ châu Phi sang Trung Quốc.
Điều đáng nói là mặc dù cơ cấu thương mại giữa châu Âu và châu Phi cũng có đặc điểm này nhưng sự hạn chế của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu các hàng gia công chế biến từ châu Phi ngặt nghèo hơn nhiều so với sự hạn chế của châu Âu lên hàng hóa châu Phi.
Cụ thể là, năm 2006, trong số hơn 400 hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi nhập khẩu từ châu Phi thì đa phần là khoáng sản và tài nguyên, các khoản xuất khẩu này mỗi năm đem lại cho lục địa đen 10 tỉ USD. Điều này đã ngăn cản nỗ lực của các nước châu Phi trong việc xuất khẩu các hàng hóa có giá trị gia tăng lớn hơn.
Vậy theo ông, nguy cơ giải công nghiệp trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc của Việt Nam có thể sẽ xảy ra không? Vì sao?
Sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc hình thành, với việc các bên cùng thực hiện Chương trình thu hoạch sớm (EHP), nguy cơ giải công nghiệp hóa thông qua thương mại mà Trung Quốc tạo ra đối với ASEAN tương đối rõ nét.
Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và phần nào là Indonesia là các nước chịu tác động này một cách rõ nét nhất. Nguyên nhân căn bản là các quốc gia này đều giàu có về tài nguyên hoặc nguyên liệu đầu vào, trong khi đó, trình độ công nghiệp hóa lại thấp hơn Trung Quốc và ACFTA đã gỡ bỏ hầu hết rào cản thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc.
Quan sát chúng ta sẽ thấy sự phân hóa về thương mại giữa các nước ASEAN với Trung Quốc. Không phải quốc gia nào cũng bất lợi trong quan hệ với Trung Quốc. Điển hình là Malaysia, Thái Lan, Singapore, họ quan hệ thương mại bình đẳng và có lợi với Trung Quốc. Hàng xuất khẩu của các quốc gia này sang Trung Quốc đến 80% là hàng hóa có hàm lượng kĩ thuật cao. Và Trung Quốc càng phát triển, thương mại càng mở cửa thì họ càng được lợi, bởi lẽ các nước này ở một bậc cao hơn Trung Quốc trong chuỗi sản xuất khu vực Đông Á.
Trong khi đó, một số nước còn lại sẽ có mức thâm hụt ngày càng lớn với Trung Quốc khi 50-90% hàng xuất khẩu là hàng hóa sơ thế, tài nguyên thiên nhiên, và đáng buồn là Việt Nam nằm trong diện này.
Tất nhiên, phải nhìn nhận cho đúng là thâm hụt thương mại không phải là điều đáng lo ngại vì nó có thể được cải thiện khi cơ cấu hàng xuất khẩu được cải thiện. Điều đáng lo ngại là nguồn lợi thu được một cách dễ dãi từ xuất khẩu tài nguyên và hàng thô-sơ chế (như mủ cao su, thủy sản, nông sản sơ chế v.v.), các hàng hóa hàm lượng kĩ thuật thấp (như quần áo, giày dép v.v.) có thể triệt tiêu động lực nâng cấp ngành, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực của quốc gia.
Theo ông, trong thương mại với Trung Quốc, Việt Nam được lợi và bất lợi như thế nào? Ông có đánh giá như thế nào khi sự bành trướng của kinh tế Trung Quốc rất mạnh mẽ trong khi rào cản kỹ thuật của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại rất lỏng lẻo?
Trong thương mại với Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong nhóm hàng thô-sơ chế hoặc có hàm lượng kĩ thuật thấp. Từ năm 2004, Trung Quốc trở thành nước nhập siêu về nông sản. Đây là điều Việt Nam có thể tận dụng vì Việt Nam có ưu thế sản xuất trong lĩnh vực này.
Điều không “bình thường” duy nhất là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay đều là hàng sơ chế, với giá trị gia tăng rất thấp.
Bên cạnh việc bị áp đặt các hàng rào kĩ thuật, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được tập trung ngay tại cửa khẩu, tại các khu thuế quan tổng hợp – Trung Quốc gọi đây là các “cảng cạn”. Sau khi chế biến mới tiếp tục xuất khẩu sâu vào trong nội địa. Phần giá trị gia tăng đó trên thực tế đã thuộc về các doanh nghiệp chế biến của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự điều chỉnh cơ cấu ngành của chính Trung Quốc cũng tạo ra thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam. Chúng ta nhận thấy thị phần một số ngành của Việt Nam trên thế giới như quần áo (2,22% năm 2007 lên 3,47% năm 2011) và da giày (3,55% năm 2007 lên 6,05% năm 2011) tăng trưởng đều đặn. Điều này bắt nguồn từ 2 nguyên do: Thứ nhất, Trung Quốc dần từ bỏ các ngành này. Thứ hai, Trung Quốc “thông qua” Việt Nam để xuất khẩu các hàng hóa này sang những thị trường mà hàng Trung Quốc vẫn bị áp thuế cao trong khi hàng Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi hơn. Đây chính là hiệu ứng chệch hướng thương mại thường thấy.
Tuy nhiên, bất lợi lớn của Việt Nam là chủ yếu xuất khẩu hàng có hàm lượng kĩ thuật hoặc giá trị gia tăng thấp nhưng nhập khẩu hàng có hàm lượng kĩ thuật hoặc giá trị gia tăng cao, khiến thâm hụt thương mại ngày càng mở rộng.
Một điểm đáng ngạc nhiên là sự kiểm soát về các tiêu chuẩn kĩ thuật đối với hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam vô cùng lỏng lẻo, thậm chí trong nhiều lĩnh vực không có hoặc không thể kiểm soát được.
Nguyên nhân của tình trạng này một mặt bắt nguồn từ “lịch sử thương mại” Việt – Trung, khi mà thương mại tiểu ngạch từ Trung Quốc vẫn chiếm một tỉ trọng lớn (nhưng không thống kê được) trong thương mại giữa hai nước. Điều này gây khó khăn lớn cho việc kiểm tra, giám sát của hải quan và các lực lượng kiểm tra thị trường của Việt Nam.
Việc thiết lập các hàng rào kĩ thuật đối với hàng hóa Trung Quốc không chỉ giúp nâng cao chất lượng hàng nhập khẩu, đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam mà còn hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi hạn chế sự cạnh tranh đến từ hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp. Điều này, về lâu dài, có tác động tích cực đến việc giảm nhập siêu và phát triển khu vực công nghiệp phụ trợ.
Các quy định trong Hiệp định thương mại hàng hóa của ACFTA rập khuôn hầu như toàn bộ các điều khoản qui định của Hiệp định WTO, do vậy, việc xây dựng hàng rào kĩ thuật theo “Hiệp định về hàng rào kĩ thuật trong thương mại” trong khuôn khổ WTO có thể giúp Việt Nam vừa thiết lập được hàng rào phi thuế quan cần thiết đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vừa tránh được các khiếu kiện và va chạm thương mại.
Các hàng rào kĩ thuật có thể xây dựng bao gồm: Quy định về biện pháp kiểm dịch động và thực vật; về vệ sinh an toàn thực phẩm; về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi.
Nhìn chung, sự gia nhập của Việt Nam vào các định chế kinh tế - thương mại mang tính khu vực hay toàn cầu là cơ hội hay là nguy cơ đối với các ngành sản xuất trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào chính Việt Nam. Chúng ta hãy nhìn vào Thái Lan, Singapore và Malaysia!
Theo Dân Trí (Bích Diệp thực hiện)