Ngày 2/7/2013 tại Tp Hồ Chí Minh, Triển lãm MTA VIETNAM 2013 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 341 doanh nghiệp đến từ 21 vùng quốc gia, lãnh thổ. Đây là triển lãm thường niên được diễn ra lần thứ 11 kể từ năm 2005 cho đến nay, nhằm phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ở Việt Nam

Ngày 2/7/2013 tại Tp Hồ Chí Minh, Triển lãm MTA VIETNAM 2013 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 341 doanh nghiệp đến từ 21 vùng quốc gia, lãnh thổ. Đây là triển lãm thường niên được diễn ra lần thứ 11 kể từ năm 2005 cho đến nay, nhằm phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ở Việt Nam.
 

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc

Năm nay, lượng doanh nghiệp quốc tế tham dự triển lãm tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với 80% và 20% còn lại là các doanh nghiệp trong nước, trong đó đáng chú ý có sự tham dự của các tên tuổi hàng đầu trong nước như TAT Machinery Corporation, Vạn Sự Lợi và OLAS. 11 nhóm gian hàng quốc tế, bao gồm nhóm gian hàng Pháp, CHLB Đức, Ý, Singapore, Thái Lan và đặc biệt Hàn Quốc có 2 nhóm gian hàng, Đài Loan có 3 nhóm gian hàng đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các Chính phủ thuộc các quốc gia phát triển về công nghệ máy công cụ đối với Triển lãm MTA tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2013 tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và theo đó, doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Dù vậy, sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp với triển lãm quốc tế MTA năm nay đã cho thấy sự kiện thương mại quốc tế chuyên ngành này đã mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước nói riêng, bắc nhịp cầu hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nói chung.

Theo ông Tee Boon Teong - Phó Trưởng đại diện tại Tp HCM Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore, nếu như năm 2005, Triển lãm MTA chỉ thu hút 10% doanh nghiệp Việt Nam thì năm nay, con số thống kê tăng gấp đôi cho thấy, nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sản xuất dẫn đến nhu cầu về máy công cụ tăng cao. Điều này tạo ra một thị trường năng động và đầy tiềm năng cho các tên tuổi nổi tiếng toàn cầu như Big Daishowa Davi, Flow, Haas Automation, Studer và Sumitomo Electric Hardmetal. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho khả năng phát triển của Việt Nam trong ngành sản xuất.

Lễ cắt băng khai mạc MTV VIETNAM 2013

Còn theo ông Hàng Liên Bang - CEO của OLAS, một trong những doanh nghiệp đầu ngành về máy laser công nghiệp và máy công nghệ cao tại Việt Nam và cũng đã đồng hành với các kỳ MTA nhiều năm qua thì trên thế giới, loại hình triển lãm hiện nay được xem là một kênh marketing truyền thống. Song với các công nghệ máy công cụ liên quan đến máy móc, kênh marketing tưởng cũ kỹ này lại vẫn rất hữu hiệu bởi người xem, khách hàng cần được “thực chứng”, xem xét, thử máy, ngắm nghía… rồi mới ra quyết định mua một cái máy có khi trị giá cả triệu USD, chứ không thể xem qua băng hình, internet… như quyết định đầu tư một sản phẩm khác. “Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn phát triển. Các công ty kinh doanh về máy móc vẫn kỳ vọng tìm kiếm các công ty khác có khả năng đầu tư trong giai đoạn hiện nay. OLAS thực tế vẫn đang kinh doanh hiệu quả và kỳ vọng của OLAS, của các doanh nghiệp tại MTA, cả từ hai phía quốc tế và Việt Nam, vẫn đang cho thấy những đánh giá về triển vọng sáng sủa của ngành sản xuất Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hàng Liên Bang nói.

Trong khuôn khổ MTA VIETNAM 2013 diễn ra 4 ngày (từ ngày 2 - 5/7/2013), sẽ có các chương trình hội thảo chuyên đề và lần đầu tiên tại MTA, cuộc thi “Tay nghề Thợ Hàn Việt Nam” cũng được tổ chức.

L.Mỹ - VCCI