Nếu trong gói trừng phạt thứ 6, Liên minh châu Âu (EU) tung ra lệnh cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ của Nga thì trong gói trừng phạt mới, khối này muốn nhắm tới vàng, một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt khác của Moscow.

Sau dầu mỏ, châu Âu sắp ‘xuống tay' với vàng Nga

Vàng là mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Ủy ban châu Âu ngày 15/7 chính thức đề xuất gói biện pháp trừng phạt thứ 7 đối với Nga. Trong đó bao gồm lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng, đồng thời củng cố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến.

"Điều này sẽ củng cố sự liên kết các lệnh trừng phạt của EU với đối tác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Gói trừng phạt mới cũng tăng cường thắt chặt việc đóng băng tài sản Nga”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố ngày 15/7.

EU cũng sẽ bổ sung các lệnh hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga có thể được sử dụng vì mục đích quân sự, bao gồm hóa chất và máy móc. Trong khi đó, liên minh này cũng dự định áp đặt thêm việc phong tỏa tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với các cá nhân và thực thể của Nga.

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu cũng sẽ điều chỉnh các biện pháp trừng phạt hiện có nhằm không làm gián đoạn việc xuất khẩu lương thực và ngũ cốc của Nga.

Ủy ban này cũng đề xuất để gia hạn các lệnh trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga thêm 6 tháng. Theo đó, lần xem xét tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2023.

Dự kiến, đại sứ của 27 nước thành viên EU sẽ gặp nhau trong ngày 18/7 và thông qua gói biện pháp trên vào ngày 20/7.

Trước đó, 4 thành viên của nhóm G7 gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản đã ban lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga, mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Biện pháp của 4 nước G7 nói trên nhắm vào các loại vàng mới khai thác hoặc tinh chế của Nga. Vàng có nguồn gốc từ Nga đã được xuất khẩu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhà Trắng cho biết, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng từ Nga là xuất sang các nước G7. 

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, biện pháp cắt giảm nhập khẩu vàng từ Nga sẽ làm Moscow mất đi nguồn doanh thu trị giá khoảng 19 tỷ USD/năm và "con số này rất đáng kể”.

EU cho tới nay đã giáng 6 gói trừng phạt lên Nga. Dù vậy, bất chấp các gói trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và EU, Nga đã kiếm được hàng tỷ USD từ dầu mỏ và khí đốt nhờ giá năng lượng tăng cao kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mộc An

Theo Reuter / Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính

https://vietnamfinance.vn/sau-dau-mo-chau-au-sap-xuong-tay-voi-vang-nga-20180504224271123.htm