Sáng ngày 20/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" giai đoạn 2022-2030.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo về xác định chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa: Phương thức đánh giá cần cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, nâng cao hơn nữa tính khách quan, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương - Ảnh: VGP/L.S

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai áp dụng từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính nhà nước hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. 

Đến nay, sau 10 năm, đây được coi là công cụ quản lý quan trọng, giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác và khách quan về tình hình triển khai và kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương thông qua hệ thống các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thiết kế theo từng lĩnh vực cải cách hành chính; khắc phục được tính chủ quan, định tính, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính; tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, sau 10 năm xác định Chỉ số cải cách hành chính, đã cho thấy những tác động tích cực đến các bộ, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm, đó là: Giúp đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính; giúp các bộ, ngành, địa phương xác định rõ được những mặt mạnh, mặt yếu trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính để từ đó có những chỉ đạo, giải pháp đổi mới phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; việc áp dụng Chỉ số cải cách hành chính đã tạo được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Do vậy, cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới. Bên cạnh đó, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa quy định rõ ràng, dẫn đến khó lượng hóa để đánh giá, cho điểm. 

Ngoài ra, các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, tỉnh.

Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo về xác định chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương   - Ảnh 2.

Các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như kiểm soát quy định thủ tục hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: VGP/L.S

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính với sự tham gia của các bộ, cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính quy định tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Nội vụ đã rà soát, nghiên cứu và dự kiến đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung cấu trúc Chỉ số, các tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đánh giá một cách định lượng, thực chất, khách quan và công bằng kết quả cải cách hành chính của các bộ, địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án trình bày tóm tắt dự thảo Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" giai đoạn 2022-2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như: Kiểm soát quy định thủ tục hành chính; công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính; một số nội dung về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công tác quản lý, sử dụng tài sản công; tổ chức thực hiện công tác tài chính - ngân sách; lĩnh vực hiện đại hóa hành chính; lĩnh vực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác điều tra xã hội học;...

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng đã trực tiếp giải đáp và tiếp thu ý kiến của các đại biểu phục vụ việc nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2022-2030 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Lê Sơn (Báo Chính phủ)

https://baochinhphu.vn/xac-dinh-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-cua-cac-bo-nganh-dia-phuong-102220720163550016.htm