Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng tư và bốn tháng năm 2018
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên tháng tư và bốn tháng năm 2018
1. Sản xuất nông nghiệp
a. Trồng trọt
Đến nay toàn tỉnh đã kết thúc gieo cấy lúa xuân và gieo trồng các loại rau màu vụ Xuân. Theo tổng hợp sơ bộ, kết quả điều tra diện tích một số loại cây trồng như sau: Tổng diện tích gieo trồng vụ Xuân toàn tỉnh đạt 41.165 ha, giảm 2.753 ha so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, diện tích gieo cấy lúa 33.314 ha, giảm 2.091 ha; đậu tương 417 ha, giảm 124 ha; ngô 2.038 ha, giảm 284 ha; lạc 550 ha, giảm 29 ha; bí các loại 260 ha, tăng 13 ha. Diện tích giảm chủ yếu ở các huyện: Khoái Châu giảm 766 ha, Văn Giang giảm 425 ha, TP Hưng Yên giảm 420 ha, Yên Mỹ giảm 403 ha, Kim Động giảm 251 ha, Mỹ Hào giảm 179 ha, Ân Thi giảm 130 ha.
Từ khi gieo cấy đến nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cho các loại sâu, bệnh hại lúa phát sinh, phát triển, đặc biệt ở những ruộng cấy dầy, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Hiện nay trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu, bệnh hại lúa như bệnh đạo ôn lá (diện tích nhiễm 407 ha, diện tích phòng trừ 1.337 ha), bệnh khô vằn (diện tích nhiễm 150 ha, diện tích phòng trừ 315 ha), chuột hại (68 ha). Bà con nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh cho cây trồng vụ Xuân 2018.
Thời điểm này, các loại cây ăn quả như nhãn, vải, cam, quýt đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả non. Đối với cây nhãn, hiện nay nhãn trà sớm đã bung hoa đậu quả non, trà chính vụ chuẩn bị nở hoa. Tỷ lệ cây ra hoa cũng như hoa trên cành nhãn nhiều, dự tính sản lượng nhãn năm nay sẽ tăng cao so với năm 2017.
b. Chăn nuôi gia súc, gia cầm
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có bệnh lở mồm, long móng gia súc. Do có sự chủ động, tích cực của chính quyền các cấp và các hộ chăn nuôi trong phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Thời điểm này, giá bán thịt lợn hơi đang có dấu hiệu phục hồi đã khuyến khích các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất.
2. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Tư tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai thác giảm 25,71%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,51%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,43%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,25%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 5,86%; quần áo các loại tăng 21,51%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 12,25%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 16,55%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 20,30%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 26,90%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 74,19%; sắt thép các loại tăng 27,27%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 29,75%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Cát đen giảm 25,71%; sợi tơ (filament) tổng hợp giảm 21,85%; gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 6,21%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 5,69%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,48% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng (cát) giảm 23,15%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,43%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,36%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,06%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Mỳ, phở, miến, bún, cháo ăn liền tăng 7,27%; quần áo các loại tăng 20,79%; thùng, hộp bằng giấy các loại tăng 18,37%; sơn và véc ni tan trong môi trường nước tăng 11,97%; bao bì bằng chất dẻo các loại tăng 20,26%; sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu tăng 13,94%; sản phẩm vệ sinh gắn cố định bằng gốm sứ tăng 59,38%; sắt thép các loại tăng 28,92%; sợi quang và các bó sợi quang, cáp sợi quang tăng 21,19%; dây điện đơn dạng cuộn tăng 15,53%...
3. Hoạt động đầu tư
a. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước địa phương
Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư đạt 150.765 triệu đồng, tăng 13,34% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 75.603 triệu đồng, tăng 4,41%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 41.349 triệu đồng, tăng 24,30%; vốn ngân sách cấp xã 33.813 triệu đồng, tăng 23,65%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 568.723 triệu đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 282.734 triệu đồng, tăng 4,60%; vốn ngân sách cấp huyện 156.950 triệu đồng, tăng 23,46%; vốn ngân sách cấp xã 129.039 triệu đồng, tăng 25,18%.
b. Đầu tư nước ngoài
Tính đến 20/4/2018, trên địa bàn tỉnh đã có 404 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 4.001.757 nghìn USD, trong đó từ đầu năm đến nay có 11 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký là 31.086 nghìn USD. Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư chủ yếu là: Nhật Bản có 150 dự án, số vốn đăng ký là 2.679.029 nghìn USD, chiếm 66,95% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc có 120 dự án, với số vốn đăng ký là 619.704 nghìn USD, chiếm 15,49% tổng vốn đăng ký; Trung Quốc có 80 dự án, số vốn đăng ký 344.138 nghìn USD, chiếm 8,60% tổng số vốn đăng ký.
5. Hoạt động tài chính, tiền tệ
a. Thu ngân sách nhà nước
Thu nội địa: Thu nội địa tháng Tư năm 2018 ước đạt 829.745 triệu đồng, tăng 53,73% so với cùng kỳ năm 2017. Một số khoản thu nội địa trong tháng dự tính như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 13.170 triệu đồng, tăng 7,19%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 214.542 triệu đồng, tăng 60,63%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 295.369 triệu đồng, tăng 51,21%; thu lệ phí trước bạ 22.624 triệu đồng, tăng 14,74%; thuế thu nhập cá nhân 68.747 triệu đồng, tăng 8,90%; thuế bảo vệ môi trường 29.593 triệu đồng, tăng 73,95%; thu phí và lệ phí 2.376 triệu đồng, giảm 60,90%; các khoản thu về nhà đất 168.123 triệu đồng, tăng 100,06%.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, thu nội địa ước đạt 2.670.000 triệu đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 31,17% kế hoạch năm. Ước một số khoản thu nội địa như sau: Thu từ kinh tế quốc doanh 63.000 triệu đồng, giảm 27,49%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 580.000 triệu đồng, tăng 25,80%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh 890.000 triệu đồng, giảm 22,30%; thu lệ phí trước bạ 90.000 triệu đồng, tăng 5,50%; thuế thu nhập cá nhân 265.000 triệu đồng, giảm 0,40%; các khoản thu về nhà đất 580.200 triệu đồng, tăng 115,81%.
Thu thuế xuất, nhập khẩu: Thu thuế xuất nhập khẩu tháng Tư năm 2018 ước đạt 300.881 triệu đồng, giảm 17,28% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 964.046 triệu đồng, giảm 13,57% và đạt 28,02% kế hoạch năm.
b. Chi ngân sách nhà nước
Tính từ ngày 01/01/2018 đến ngày 18/4/2018, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 2.542.466 triệu đồng, đạt 29,15% kế hoạch năm. Trong đó: Chi đầu tư phát triển 999.382 triệu đồng, đạt 37,67%; chi thường xuyên 1.543.084 triệu đồng, đạt 25,43%. Một số lĩnh vực chi thường xuyên như sau: Chi sự nghiệp kinh tế 123.046 triệu đồng; chi giáo dục, đào tạo 600.302 triệu đồng; chi sự nghiệp y tế 134.067 triệu đồng; chi sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao 26.090 triệu đồng; chi đảm bảo xã hội 129.210 triệu đồng; chi quản lý hành chính 388.370 triệu đồng, chi khác 135.552 triệu đồng.
c. Hoạt động ngân hàng
Tính đến 31/3/2018, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 68.762.251 triệu đồng, tăng 6,59% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Nguồn vốn huy động trong dân cư và các tổ chức kinh tế đạt 58.976.774 triệu đồng, tăng 5,28% và chiếm 85,77% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ đối với nền kinh tế đạt 51.285.449 triệu đồng, tăng 2,29% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn 34.824.419 triệu đồng, tăng 1,45%; dư nợ cho vay trung và dài hạn 16.461.030 triệu đồng, tăng 4,12%. Dư nợ cho vay bằng nội tệ 48.345.434 triệu đồng, tăng 1,36%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ 2.940.015 triệu đồng, tăng 20,38%. Về chất lượng tín dụng: Nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 780.563 triệu đồng (chiếm 1,52% tổng dư nợ), tăng 7,61% so với thời điểm 31/12/2017.
6. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ trong tháng Tư ước đạt 2.496.804 triệu đồng, tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.015.227 triệu đồng, tăng 11,21%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 136.608 triệu đồng, tăng 8,30%; doanh thu du lịch 528 triệu đồng, tăng 22,42%; doanh thu dịch vụ khác 344.441 triệu đồng, tăng 10,25%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 9.963.420 triệu đồng, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa bốn tháng đầu năm ước đạt 8.081.674 triệu đồng, chiếm 81,11% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 11,81% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 12,83%; hàng may mặc tăng 16,65%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 16,45%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 4,93%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 20,88%; ô tô các loại giảm 63,88%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 10,24%; xăng, dầu các loại tăng 10,31%; đá quý, kim loại quý tăng 35,49%...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành bốn tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 534.347 triệu đồng, chiếm 5,36% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 7,41% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 22.102 triệu đồng, tăng 5,26%; dịch vụ ăn uống 510.245 triệu đồng, tăng 7,54%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 2.000 triệu đồng, tăng 16,28%.
Doanh thu dịch vụ khác bốn tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.347.399 triệu đồng, chiếm 13,53% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tăng 9,25% so với cùng kỳ năm 2017.
7. Giá tiêu dùng, vàng, đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,13% so với tháng trước. Trong đó: Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng, bao gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,02%; dịch vụ giao thông tăng 1,30%. Có 4/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Hàng may mặc, mũ, nón, giầy, dép giảm 0,60%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,10%; văn hóa, thể thao, giải trí giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,14%. Riêng nhóm hàng hoá, dịch vụ: Thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính, viễn thông; dịch vụ giáo dục ổn định so với tháng trước.
So với tháng 12/2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm nay tăng 1,13%. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 2,03%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,10%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép giảm 0,85%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,23%; dịch vụ giao thông tăng 3,66%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,45%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,37%; bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục ổn định so với tháng 12/2017.
So với tháng cùng kỳ năm 2017, Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư năm nay tăng 3,61%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,97%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,09%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,74%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,26%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 15,32%; dịch vụ giao thông tăng 7,84%; dịch vụ bưu chính, viễn thông giảm 0,75%; giáo dục tăng 3,72%; văn hóa, thể thao, giải trí tăng 3,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,34%.
Bình quân chung bốn tháng đầu năm 2018, Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,66% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,30%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,69%; hàng may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 1,77%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,21%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,62%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 46,69%; dịch vụ giao thông tăng 6,02%; bưu chính, viễn thông giảm 0,76%; dịch vụ giáo dục tăng 3,76%; dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tăng 2,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,79%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng Tư tăng 0,22% so với tháng trước và ở mức giá bình quân 3.696.000 đồng/chỉ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,05% so với tháng trước, mức giá bình quân 22.795 đồng/USD.
8. Hoạt động vận tải và bưu chính, viễn thông
a. Vận tải hành khách
Vận tải hành khách tháng Tư ước đạt 1.145 nghìn lượt người vận chuyển và 68.450 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 11,33% về lượt người vận chuyển và tăng 7,63% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 52.464 triệu đồng, tăng 10,07%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách ước đạt 4.535 nghìn lượt người vận chuyển và 276.638 nghìn lượt người luân chuyển, lần lượt tăng 12,32% về lượt người vận chuyển và tăng 10,44% về lượt người luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 206.831 triệu đồng, tăng 10,58%.
b. Vận tải hàng hóa
Vận tải hàng hoá tháng Tư ước đạt 2.322 nghìn tấn vận chuyển và 82.342 nghìn tấn luân chuyển, tăng 11,23% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,80% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 187.903 triệu đồng, tăng 11,77%. Tính chung bốn tháng đầu năm 2018, vận tải hàng hóa ước đạt 8.971 nghìn tấn vận chuyển và 323.112 nghìn tấn luân chuyển, lần lượt tăng 10,16% về tấn hàng hóa vận chuyển và tăng 10,24% về tấn hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 735.982 triệu đồng, tăng 10,54%.
c. Bưu chính, viễn thông
Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng Tư ước tính tăng 1.560 thuê bao, trong đó thuê bao cố định tăng 60 thuê bao; thuê bao di động trả sau tăng 1.500 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại đến cuối kỳ ước đạt 125.060 thuê bao, trong đó thuê bao cố định 25.690 thuê bao, thuê bao di động trả sau 99.370 thuê bao. Số thuê bao internet trong tháng ước giảm 1.150 thuê bao. Tổng số thuê bao internet hiện có ước đạt 125.601 thuê bao.
9. Một số hoạt động văn hóa, xã hội
Hoạt động văn hóa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cổ động tiến tới kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2018) và 132 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tổ chức các hoạt động chào mừng ngày sách Việt Nam 22/4, hưởng ứng ngày sách và bản quyền thế giới 23/4.
Hoạt động thể thao: Lễ khai mạc Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hưng Yên lần thứ VIII năm 2018 diễn ra vào ngày 25/3 tại Sân vận động tỉnh (Thành phố Hưng Yên). Các đoàn vận động viên tranh tài ở 13 bộ môn, gồm: Điền kinh trong sân, chạy việt dã, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, cờ vua, cờ tướng, pencaksilat, taekwondo, võ cổ truyền và karatedo.
b. Hoạt động Y tế
Công tác giám sát dịch được thực hiện thường xuyên, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh nào xảy ra. Bảo đảm chế độ trực dịch và báo cáo dịch theo đúng quy định. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm như: Tả, Viêm Não NBB, SD/SXH... không phát hiện trường hợp nào. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác xuất hiện lẻ tẻ tại các huyện. Phân phối vắc xin tiêm chủng mở rộng, vật tư theo kế hoạch cho y tế cơ sở triển khai tiêm chủng cho các cháu hàng tháng. Trong và sau tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số phụ nữ có thai được khám trên 3 lần trước khi đẻ đạt 98%, tỷ lệ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 100%.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Triển khai đoàn kiểm tra theo Quyết định số 42/QĐ-ATTP ngày 06/3/2018 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nhà ăn, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả: Số cơ sở được kiểm tra 17; số cơ sở đạt 10; số cơ sở vi phạm 07; số cơ sở bị phạt tiền 07; số tiền phạt 21,40 triệu đồng. Triển khai đoàn kiểm tra theo Quyết định số 43/QĐ-ATTP ngày 06/3/2018 về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nhà ăn, bếp ăn tập thể trường học và cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá trên địa bàn huyện Văn Lâm, Văn Giang. Kết quả: Số cơ sở được kiểm tra 15; số cơ sở đạt 08; số cơ sở vi phạm 07; không có cơ sở nào bị phạt tiền (07 cơ sở vi phạm là bếp ăn tập thể trường mầm non, các cơ ở vi phạm đã được hướng dẫn, nhắc nhở, cho thời gian khắc phục tồn tại). Tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
c. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 16/3/2018 đến ngày 15/4/2018, toàn tỉnh đã phát hiện 5 vụ vi phạm môi trường, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 3 vụ, số tiền xử phạt 101 triệu đồng. Tính từ 16/12/2017 đến 15/4/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 40 vụ vi phạm môi trường, trong đó đã xử lý 31 vụ, xử phạt 1.535 triệu đồng.
Từ ngày16/3/2018 đến 15/4/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy, không có vụ nổ, không có người bị chết, bị thương do cháy, thiệt hại tài sản ước tính 120 triệu đồng, nguyên nhân vụ cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tính từ 16/12/2017 đến 15/4/2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy, không có vụ nổ, làm 1 người bị chết, thiệt hại tài sản ước tính 120,50 triệu đồng.
d. Trật tự an toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên, từ ngày 16/3/2018 đến 15/4/2018, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông (trong đó: 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt), làm chết 14 người, làm bị thương 8 người. So với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 5 vụ, tăng 45,45%; số người chết tăng 6 người, tăng 75,0%; số người bị thương tăng 4 người, tăng 100,0%. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39 người, làm bị thương 29 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn bằng với cùng kỳ năm 2017, số người chết giảm 8 người, giảm 17,0%; số người bị thương giảm 8 người, giảm 21,62%./.
Nguồn: thongkehungyen.gov.vn