Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Khảo sát của VCCI thực hiện với trên 10 nghìn doanh nghiệp trong cả nước cho thấy 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có. 

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị.

Xây dựng hệ giá trị cốt lõi

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp Bền vững – Quốc gia Thịnh vượng”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp phải được xây dựng dựa trên các trụ cột kinh tế, quản trị, xã hội và môi trường (EESG).

Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại.

“Các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Đạo đức, văn hoá kinh doanh vừa tạo ra nội lực và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, vừa là nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.”- ông Phạm Tấn Công nhận định.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, nhân loại đang phải đối mặt với 03 thách thức lớn, đó là: Biến đổi khí hậu; Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và Suy giảm đa dạng sinh học. Trong 3 thách thức đó, theo Báo cáo đánh giá Rủi ro toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm 2022, nguy cơ Biến đổi khí hậu là cấp bách và nghiêm trọng nhất.

Mỗi năm, trên thế giới, ước tính có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và sinh kế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 100 triệu người dân Việt Nam nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu, đối mặt với những hiểm hoạ, đặc biệt là dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt.

Tham gia có trách nhiệm từ các bên

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Với biến đổi khí hậu cần sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông ông Tuấn: Để đạt mục tiêu nêu trên, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Trước hết, riển khai hiệu quả các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; thể chế hóa mô hình phát triển các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn; áp dụng hiệu quả các công cụ định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. 

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo hiểm cho sản xuất, kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp trong một số loại hình sản xuất có mức độ rủi ro cao như trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản. Tăng cường thu hút nguồn lực quốc tế, bao gồm các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm... để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát thải thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn

Ở góc độ địa phương, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Quảng Ninh xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách, chính vì vậy trong chiến lược phát triển Quảng Ninh đã định vị và thay đổi cơ cấu kinh tế chuyển từ nâu sang xanh.

Trong đó, xác định tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực đầu tư. Quảng Ninh đã chủ động thí điểm mô hình hợp tác công tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như sân bay Vân Đồn, đường cao tốc. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tin tưởng, mở rộng đầu tư, các cấp chính quyền đã mạnh dạn và quyết liệt trong việc sẵn sang áp dụng cơ chế thí điểm trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Đây chính là bước đầu trong việc huy động nguồn lực tư nhân vào việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Quảng Ninh cũng đã tiếp cận nguồn năng lượng phát triển bền vững. Hiện tại Quảng Ninh chiếm khoảng 16% năng lượng điện của cả nước, nhưng thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu truyền thống là than đá, trong quy hoạch tỉnh cho giai đoạn mới tỉnh đặt mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng mới như phong điện, điện mặt trời, điện khí.

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn

Theo bà Dorsati Madani Chuyên gia Kinh tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Để thúc đẩy phát triển thương mại xanh: Việt Nam cần xây dựng nền sản xuất và xuất khẩu bền vững hơn.

Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu khử các- bon trong thương mại, Chính phủ có thể hành động trên nhiều mặt trận như: Xây dựng một ngành thương mại thích ứng hơn như để giảm mức độ phơi nhiễm: Lập quy hoạch phát triển công nghiệp với các đánh giá và chiến lược thích ứng với rủi ro về thay đổi môi trường và thiên tai trong dài hạn; Thu thập và chia sẻ thông tin về các rủi ro, tác động và cơ hội của biến đổi khí hậu trong từng ngành… Xây dựng các quy chuẩn và tiêu chuẩn về khả năng thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu; Phát triển các công cụ chia sẻ rủi ro tài chính (bảo hiểm).

Chính phủ cũng cần đưa ra giải pháp khử các- bon trong thương mại. Sử dụng các công cụ định giá trong nước Áp dụng thuế carbon ở Việt Nam có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải mà không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và xuất khẩu mới nổi nâng cao năng lực để áp dụng tiêu chuẩn và công nghệ quốc tế.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐTV công ty Deloitte Việt Nam cho biết xu hướng thực hành ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp, bởi ESG giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ việc giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội “đại dương xanh”, giảm thiểu chi phí và rủi ro, cũng như nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.

Cũng theo bà Thanh, từ khi thành lập vào năm 2010, VBCSD đã nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Trong thời gian tới đây, VBCSD sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững vào quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phồn vinh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, địa phương, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và nguồn lực cho phát triển bền vững.

Ở cấp độ doanh nghiệp, đó là sự đổi mới tư duy, đảm bảo sự liêm chính trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị doanh nghiệp thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện tốt Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững do VCCI xây dựng.

Theo Phan Nam (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/thuc-day-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-de-phat-trien-ben-vung-235386.html