Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Sang tận nơi, “kéo” doanh nghiệp FDI về nhà mình
Thay vì chỉ ngồi chờ các nhà đầu tư tìm đến với mình, nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua chủ động tham gia tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở nước sở tại và kết nối trực tuyến với Đại sứ Việt Nam tại các nước để tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm lôi kéo nhà các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư.
Phân xưởng sản xuất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: B.N
Một chuyến đi mang về 3,6 tỉ USD
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore vào cuối tháng 2.2022, tỉnh Bắc Giang “rinh” về hàng loạt dự án với tổng số vốn ghi nhớ và cam kết lên tới 3,6 tỉ USD. Chỉ với chuyến đi này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Lê Ánh Dương - lần lượt trao Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn CapitaLand của Singapore với tổng số vốn khoảng 1 tỉ USD; trao giấy chứng nhận đầu tư dự án cho hai doanh nghiệp thực hiện các dự án trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư gần 98 triệu USD.
Cũng trong chuyến đi này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cùng đại diện Công ty Cổ phần công nghệ viễn thông Sài gòn (SAIGONTEL), đại diện Công ty VINA CAPITAL và Công ty AUROUS của Singapore ký kết, trao đổi thoả thuận hợp tác đầu tư Dự án tổ hợp công nghiệp, đô thị nhà ở cho công nhân, chuyên gia và nhà ở xã hội, với diện tích 700ha, giá trị đầu tư các dự án khoảng 2,5 tỉ USD. Với dự án quy mô lớn này, các doanh nghiệp trên sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư và xin phép đầu tư để phát triển khu công nghiệp thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch với hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng trong nước cao hơn. Song song với đó là việc đầu tư trung tâm logistics, dịch vụ phụ trợ, khu đô thị dịch vụ hoàn chỉnh… nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ công nhân, chuyên gia khu công nghiệp cũng như phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, dự kiến tổ hợp dự án sẽ được triển khai ngày sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt và cấp phép đầu tư. Sau khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho ngân sách, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Bắc Giang.
Vào đầu tháng 3.2022, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina cũng quyết định đầu tư Dự án đầu tư mở rộng Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN Quế Võ với tổng vốn đầu tư hơn 305 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh lên hơn 565 triệu USD. Với dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Hương Giang - yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, môi trường… đưa dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư hoạt động ổn định, phát triển lâu dài tại tỉnh.
Gỡ nút thắt, chủ động tìm nhà đầu tư
Không chỉ có Bắc Giang và Bắc Ninh, thực tế trong 2 tháng đầu năm nay, các địa phương trong cả nước thực hiện cấp mới chứng nhận đầu tư gần 200 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 632 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỉ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thái Nguyên dù không thu hút được dự án mới, xong với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Thái Nguyên xếp thứ hai với gần 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Nghệ An, Long An… Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho hay, dù số vốn đăng ký mới giảm mạnh song nhờ số vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỉ USD trong gần 2 tháng đầu năm.
Bên cạnh việc chủ động chuẩn bị hạ tầng sẵn sàng đón nhận doanh nghiệp FDI đến đầu tư, nhiều địa phương cũng chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư thông qua các buổi tiếp xúc trực tiếp và hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư thay vì chỉ… ngồi chờ. Bên cạnh việc rà soát, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án liên quan đến quy hoạch, thời hạn thuê đất hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉnh Bắc Ninh hiện đang hoàn thiện kế hoạch đối ngoại và xúc tiến đầu tư năm 2022, cũng như lên kế hoạch tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với nhiều nước trong khu vực.
Để duy trì hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài với vị trí đang dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỉ USD, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn - cho biết, địa phương đang hoàn thiện Kế hoạch đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch năm 2022, trong đó xây dựng nội dung xúc tiến đầu tư cụ thể theo từng tháng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn, mời các nhà đầu tư hạ tầng quảng bá về cơ sở hạ tầng tới các doanh nghiệp; đôn đốc, hoàn chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị nghệ thuật Him Lam (núi Dạm) và quy hoạch sân golf trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lên kế hoạch phối hợp với các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và kết nối trực tuyến với Đại sứ Việt Nam tại các nước để tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đức và khu vực Châu Âu.
Chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT - ông Nguyễn Chí Dũng - trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm như rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.
Một giải pháp quan trọng khác là cần chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. Trong đó cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. L.D
Theo báo Lao động!