Quốc hội đổi mới giúp doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm
Các cơ chế, chính sách, pháp luật được Quốc hội ban hành trong năm qua cùng với sự điều hành của Chính phủ đã tạo ra khí thế mới, cơ hội mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của đất nước. Tính chủ động của Quốc hội cũng rất cao khi luôn bám sát tình hình để hành động theo xu thế phát triển của đất nước và thế giới. Chính điều đó cho thấy Quốc hội đã sát cánh, đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Xã hội 2022. Ảnh: P.Đ
Thể hiện rõ cam kết vì dân, vì doanh nghiệp
Vợ chồng chị Lê Thị Luận rời quê Thanh Hóa ra làm công nhân tại Hà Nội ngót 10 năm nay. Gia đình 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 người con phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công nhân của 2 vợ chồng. Dịch COVID-19 ập đến, công ty phải thực hiện giãn cách khiến thu nhập của chị giảm sút. Bởi “hầu như không có khoản tích trữ” nên tháng nào vợ chồng chị cũng phải giật gấu vá vai lo tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn, tiền học, tiền sữa cho con… Vừa rồi, Luận được nhận 1,5 triệu đồng hỗ trợ 3 tháng tiền nhà trọ.
“Số tiền không nhiều nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no và chúng tôi biết rằng mình không bị bỏ lại phía sau”, chị Luận cho biết.
Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm nay. Với tổng kinh phí 6.600 tỉ đồng, có khoảng 3,4 triệu người lao động như chị Luận được thụ hưởng.
Cùng với đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp như “được hồi sinh”. Lưu ý, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều nghị quyết, chính sách, luật mà Quốc hội đã ban hành trong một năm vừa rồi.
Quốc hội đã quyết định nhiều chính sách lớn nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện chính trị, kinh tế, xã hội. Từ đó củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện khôi phục, tạo dựng và thúc đẩy các nền tảng, động lực phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” không mới song phản ứng và hành động của Quốc hội có sự khác biệt. Quốc hội một mặt đã giải quyết ngay, kịp thời vấn đề mà người dân, doanh nghiệp gặp phải, mặt khác nhìn vấn đề rất xa. Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu để xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta không thể phục hồi và phát triển nếu không thiết kế được chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Chính sự đổi mới của Quốc hội đã giúp doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm.
TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh thực tế đã thể hiện tính chủ động, cách làm sáng tạo của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Những chuyển động tích cực của Quốc hội được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Ổn định vĩ mô, “dĩ bất biến ứng vạn biến”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhiều lần kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nuôi dưỡng hoài bão lớn và khát vọng vươn lên. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian tới, chúng ta cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kịp thời khắc phục tác động của dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, từng bước tái thiết và khôi phục kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến về việc làm thế nào để cải thiện các điều kiện để tăng cường năng lực của thị trường vốn, thị trường khoa học-công nghệ và thị trường lao động; cải thiện các yếu tố để tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế; thể chế, chính sách thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo.
Mới đây nhất, diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã khép lại nhưng thông điệp nhất quán về kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, sẵn sàng lắng nghe để có những quyết sách phù hợp đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới của Chủ tịch Quốc hội tại diễn đàn đã truyền cảm hứng và sự kỳ vọng, tin tưởng tới doanh nghiệp, nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài.
Diễn đàn đã lựa chọn một trong hai chuyên đề hội thảo là Thúc đẩy chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, thể hiện sự quan tâm rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp. Các vấn đề nêu ra trong hội thảo, trong đó có tham luận “Triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới” đã có những phân tích rất kỹ, số liệu cụ thể, đầy đủ, sát thực tế. Đặc biệt, tham luận đã đề cập đến thành phần rất quan trọng của nền kinh tế là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm đại đa số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta) và hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam, có sự thống nhất, đồng thuận cao. Các ý kiến đều chỉ rõ, thế giới và Việt Nam đều chịu nhiều hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19. Qua chung tay phòng chống và thực hiện nhiều giải pháp đến nay, tình hình dịch cơ bản kiểm soát, các nền kinh tế dần mở cửa trở lại và trên đà phục hồi.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức khi tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan khác buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải đưa ra những giải pháp linh hoạt nhưng cũng phải rất thận trọng.
Chủ tịch Quốc hội đã hơn một lần nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố bất biến mà chúng ta cần phải giữ để ứng phó với một thế giới vạn biến. Ngoài việc tập trung vào các mục tiêu trước mắt, chúng ta không được quên mục tiêu dài hạn và cấp bách là đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là một thông điệp xuyên suốt để định hướng các nỗ lực của chúng ta và giữ vững niềm tin của toàn hệ thống trong quá trình hồi phục và phát triển nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân rất tán thành các quan điểm nêu ra trong phiên thảo luận, nhất là các giải pháp hỗ trợ. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đang rất khát vốn, thiếu lao động, trong khi đó, Nhà nước có tiền nhưng lại chậm triển khai. Nếu không sớm gỡ được vấn đề này, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
Muốn phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp phải “sống” khỏe. Điều mà mọi người quan tâm là sau diễn đàn Kinh tế - Xã hội sẽ cụ thể hóa chính sách ra sao để bảo đảm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tất cả đều mong Quốc hội sẽ ra được quyết sách quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi của doanh nghiệp trên cơ sở ý kiến đề xuất tại hội thảo cũng như diễn đàn và phải giám sát chặt quá trình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Theo Phạm Đông (Báo Lao động)
https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-doi-moi-giup-doanh-nghiep-dam-nghi-dam-lam-1103822.ldo