Đề xuất nhiều giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp
Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để đề xuất với Chính phủ các giải pháp cấp bách tháo gỡ trong nửa cuối năm.
Doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. |
“Khó khăn chồng chất khó khăn”
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về bối cảnh hiện nay, tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra đầu tuần này.
Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và rất phức tạp, khó lường, như xung đột vũ trang, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.
Trong nước, nhiều đánh giá, nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trước những biến động lớn của tình hình khu vực thế giới, khu vực. Nhiều ngành, lĩnh vực có sự phục hồi ấn tượng sau dịch, nhất là hàng không, du lịch, bán lẻ…
Chia sẻ tại Hội nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đồng tình với nhận định trên.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan, với kim ngạch xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho rằng, kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều, bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, thậm chí tại nhiều quốc gia, tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp ngành da, giày, túi xách, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, các doanh nghiệp ngành này đang đối mặt với nhiều vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ lạm phát lớn, trong khi khả năng giảm thuế, phí xăng dầu từ nay đến cuối năm là khó.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu dù đang thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn thách thức. “Xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào sự tương tác cực lớn với thị trường Trung Quốc, do đó tiềm ẩn khó khăn trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù chồng chất khó khăn, song cơ hội cũng rất lớn, khi trật tự kinh tế thế giới được cấu trúc lại, xu hướng dịch chuyển đầu tư, cùng với các cơ chế về thương mại, đầu tư mà Việt Nam đang tham gia.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn tiếp cận theo hướng tích cực. Chúng ta phải chủ động kiến tạo và quyết định tương lại của mình theo hướng nhận diện và tham gia cuộc chơi ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, chứ không đợi các cấu trúc mới hình thành xong rồi mới thay đổi, thích ứng theo. Ta là người đi theo, đi sau thì mất hết cơ hội”, Bộ trưởng trăn trở.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Khó khăn như vậy, nhưng theo đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa tạo được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các bộ, ngành sẽ xây dựng kịch bản, đưa ra các chính sách, giải pháp cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Mục đích cuối cùng vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi sản xuất, phát triển doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dưới góc độ nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, vấn đề đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chưa được cải thiện, việc kiểm tra chuyên ngành có dấu hiệu chững lại. “Năm 2021, đầu năm 2022 là thời điểm phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho khu vực doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng đề nghị các hiệp hội cần chủ động đề xuất, các cơ quan cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp. “Bối cảnh hiện nay cần tăng tốc. Đây là một giải pháp cần sự đậm nét vào cuối năm 2022, đầu năm 2023”, ông Tuấn đề nghị.
Từ góc độ doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics, bởi giá xăng dầu quá cao như hiện nay sẽ tác động đến nhiều loại hàng hoá nguyên, nhiên liệu sản xuất là đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời tác động đến những hàng hoá tiêu dùng thiết yếu và đời sống người lao động.
Liên quan chi phí logistics, nhiều ý kiến cho rằng, phí logistics của Việt Nam đang cao hơn một số quốc gia trên thế giới, nên sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc và có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới.
Về chính sách tiền tệ, tín dụng, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, thời gian qua, chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái ổn định, nhưng với các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu nhiều đang mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Vị này đề nghị giữ tiền đồng ở mức giá vừa phải để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lợi thế cạnh tranh.
Chia sẻ vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ghi nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm sao nhanh chóng vượt qua khó khăn, nắm bắt được các cơ hội”.
Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Phó thủ tướng Lê Minh Khái và một số bộ trưởng xây dựng đề án về ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đưa ra kịch bản điều hành để chủ động khi có các vấn đề, tránh trường hợp bị động, lúng túng.
“Các bộ, ngành sẽ xây dựng kịch bản, đưa ra các chính sách, giải pháp cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn. Mục đích cuối cùng vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi sản xuất, phát triển doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Kỳ Thành (Báo Đầu tư)
https://baodautu.vn/de-xuat-nhieu-giai-phap-cap-bach-go-kho-cho-doanh-nghiep-d168665.html