Cải cách môi trường kinh doanh: Xuất hiện “sự kháng cự” xu hướng cải cách
Sự trở lại đâu đó của tư duy kiểm soát DN trong các cơ quan quản lý, những khó khăn trong thực thi khiến DN chưa đặt trọn niềm tin với các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh.
Lúc này, doanh nghiệp đang phục hồi, rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí. Ảnh: Đức Thanh |
Những nỗi bất an từ bên trong
Thông tin Bộ Y tế đang có dự định trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (Nghị định 15) khiến nhiều doanh nghiệp bất an.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã gửi điều này tới Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Nghị định 15 đang được thực hiện với cơ chế hậu kiểm rất tốt, nhưng đang có kiến nghị cần siết lại, trao quyền nhiều hơn cho cơ quan quản lý. Chúng tôi cũng nhận được dự thảo văn bản của một số bộ, ngành liên quan đến điều kiện kinh doanh, đang có xu hướng chặt chẽ hơn, chuyển sang tiền kiểm, thay vì hậu kiểm. Đây là hiện tượng hay là xu hướng?”, ông Tuấn đặt vấn đề trong Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước.
Cảm giác này trái ngược với thời điểm Nghị định 15 được ban hành. Khi đó và đến tận giờ, đây vẫn là văn bản được cả doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu lấy làm hình mẫu cho sự quyết tâm cải cách và những thay đổi tư duy của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Y tế. Nhờ Nghị định 15, đã có 90% giấy phép, 95% thủ tục kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu trong lĩnh vực thực phẩm được cắt giảm, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu ngày công…
Vấn đề là không riêng VCCI cảm thấy bất an. Tiểu ban Thực phẩm và Đồ uống của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (Amcham) cũng thông qua Luật sư Dương Trịnh Hà Đăng gửi đến những lo lắng tương tự.
“Chúng tôi đề nghị giữ nguyên những cải cách tiến bộ về quy trình đăng ký của Nghị định 15, cụ thể là giữ nguyên các nhóm sản phẩm phải đăng ký, tự công bố; không quy định thời hạn của giấy phép sản phẩm, chỉ kiểm tra chỉ tiêu an toàn khi đăng ký (sản phẩm phải có tiêu chuẩn chất lượng để kiểm tra, giám sát): không phải đăng ký lại sản phẩm đối với các thay đổi, trừ thay đổi về thành phần, nhà sản xuất hay nước sản xuất và không tăng thêm bất cứ yêu cầu nào khác về quy trình đăng ký”, luật sư Hà Đăng nêu yêu cầu cụ thể.
Khó khăn đến từ những lý do khó hiểu
Không phải Amcham làm quá những lo ngại khi gửi khuyến nghị một cách tha thiết là tuyệt đối không nên khôi phục các thủ tục, giấy phép trên, dù với bất kỳ hình thức và lý do nào. Việc thực thi các quy định của Nghị định 15 là cơ sở.
Luật sư Hà Đăng nói, cho dù quy định cơ quan quản lý chỉ được yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ một lần, nhưng có nhiều trường hợp quá trình đăng ký kéo dài bởi cán bộ thẩm định yêu cầu sửa đổi bổ sung 3-4 lần, mỗi lần một yêu cầu khác nhau, trong đó có yêu cầu bổ sung không có cơ sở pháp lý, phản khoa học.
“Có cả yêu cầu vô lý như không được ghi số mũ (10 mũ 8), mà chỉ được ghi số 100000000. Doanh nghiệp có thể làm theo, nhưng điều này rõ ràng là cách để trì hoãn thời gian đăng ký”, ông Đăng bình luận.
Chia sẻ lo ngại này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhắc đến bức thư mà 7 hiệp hội ký chung gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng HĐND, UBND TP.HCM, đề nghị lui triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND đến hết năm 2022.
Trong hai năm qua, hiệp hội này cùng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội khác đã có đề nghị tương tự và mong được kéo dài thời điểm trên đến tháng 4/2022. Trong thư, các vấn đề được đặt ra là vì sao Chính phủ đang cắt giảm nhiều khoản thuế, phí mà TP.HCM lại chọn thời điểm này để thu; tại sao áp dụng mức thu thấp hơn cho các lô hàng mở tờ khai hải quan tại TP.HCM so với lô hàng mở tờ khai ngoài TP.HCM…
“Cách quy định này có thể dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở các tỉnh về TP.HCM, có thể gây quá tải cho hải quan TP.HCM, làm chậm tiến độ thông quan… Chúng tôi đã đặt vấn đề này nhiều lần nhưng chưa được trả lời, nên đành lại tiếp tục gửi thư tới Văn phòng Chính phủ dù biết là có quy định về phân cấp, phân quyền. Nhưng chúng tôi đã kiến nghị, làm việc với cấp có chức năng rồi, không được nên mới phải vượt cấp. Giờ chúng tôi gửi tới Tổ công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chứ nếu văn bản lòng vòng thì lại bào mòn nỗ lực của doanh nghiệp”, ông Nam nói với nhiều tâm tư.
Lời giải từ liên minh cải cách
TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia tư vấn của Tổ công tác triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất trăn trở với những tình huống mà ông nói là không mới, nhưng đang thể hiện rõ “sự kháng cự” xu hướng cải cách.
“Covid-19 khiến quá trình và xu thế cải cách có sự đứt gãy nhất định. Thêm nữa, một số biện pháp chống dịch khá cực đoan được áp dụng đâu đó đã khơi dậy tư duy kiểm soát doanh nghiệp vốn đã bị bãi bỏ. Nhưng chính lúc này, việc triển khai các nỗ lực cải cách của Chính phủ khẳng định sự chùng lại vừa qua là bất khả kháng, là tạm thời. Vì lúc này, doanh nghiệp, nền kinh tế đang phục hồi, rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí…”, ông Cung phân tích.
Kinh nghiệm quốc tế và cả Việt Nam đều cho thấy, sau một đợt khủng hoảng, khó khăn, thì cải cách thể chế, môi trường kinh doanh luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với phục hồi và gia tăng tăng trưởng. Vấn đề là cách làm với tư duy như thế nào, thực sự vì doanh nghiệp, vì sự phát triển của nền kinh tế hay vì lợi ích, quyền lợi cục bộ.
Đây là lý do mà ông Cung nhắc đến liên minh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với sự tham gia của các doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, để có sự ủng hộ trong đề xuất sáng kiến, kiến nghị cụ thể.
“Có thể bắt đầu từ những vướng mắc đã có kết quả ban đầu; đến các rào cản có tác động lớn đến doanh nghiệp, tập trung hóa giải những xu hướng phục hồi những công cụ quản lý nhà nước, phục hồi quyền, lợi đã mất, làm hại đến môi trường kinh doanh. Sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm quy định về kinh doanh hay gia tăng độ an toàn cho đầu tư, kinh doanh, tất cả đều rất cần được khai thác. Trong quá trình này, chúng tôi đặt niềm tin vào Tổ công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI”, ông Cung đề xuất.
Trên hết, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, với nguyên tắc duy trì, củng cố thành quả của cải cách đã đạt được và nhanh chóng có thêm thành quả mới.
Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ khi đã qua thời điểm các bộ, ngành, địa phương phải ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP hơn một tháng, vẫn còn tới 2 bộ, ngành và 13 địa phương chưa hoàn thành. Nhưng trong số đã thực hiện, có những địa phương không có kế hoạch cụ thể…
Theo baodautu.vn