Xuất khẩu của Việt Nam chững lại vì đâu?
(Dân trí) - Lạm phát tăng cao trên toàn cầu, xu hướng chuyển dịch tiêu dùng từ hàng hóa sang dịch vụ tại các nước phương Tây bắt đầu tác động lên ngành sản xuất của Việt Nam.
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 chỉ đạt 9% so với cùng kỳ năm trước dù mức tăng của 6 tháng đầu năm lên tới 17%. Trong báo cáo nghiên cứu về các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong tháng 7, HSBC nhận định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại do lĩnh vực điện tử tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là sản phẩm điện thoại trong bối cảnh lạm phát tác động lên thu nhập của người dân ở các nước phương Tây.
Một điểm sáng là ngành hàng dệt may và da giày có giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, đơn vị đưa báo cáo lưu ý con số khả quan nói trên một phần do mức so sánh thấp của năm trước.
Tháng 7/2021 là thời điểm TPHCM và các tỉnh lân cận giãn cách nghiêm ngặt vì dịch nên giá trị xuất khẩu thấp. Do đó, khi so sánh với cùng kỳ năm trước, con số của ngành dệt may, da giày tăng trưởng tốt. Ngoài ra, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đưa ra dự báo tình hình đơn hàng sắp tới sẽ sụt giảm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang chứng kiến hoạt động sản xuất tăng trưởng tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt khi nhiều nước châu Á chịu cảnh đơn hàng xuất khẩu mới sụt giảm. Các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục tuyển dụng giúp chỉ số lao động việc làm tăng trưởng.
"Mặc dù tăng trưởng sản xuất có thể chậm lại trong những tháng tới, triển vọng vẫn tích cực", HSBC phân tích.
Sản xuất của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới nhưng triển vọng vẫn tích cực so với các quốc gia lân cận (Ảnh: Hữu Khoa).
Trong khi đó, lạm phát tăng thêm 0,4% trong tháng 7, giảm nhẹ so với các tháng trước do giá xăng, chi phí vận tải đã giảm. Tuy nhiên, ngoại trừ gạo, các mặt hàng thực phẩm từ thịt lợn, dầu ăn đến rau củ đều tăng giá đáng kể do chi phí vận chuyển và thức ăn chăn nuôi cao. Dù mức tăng tương đối thấp, HSCB cho rằng vẫn cần theo dõi sát đà lạm phát. Áp lực lạm phát có thể sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm nay, đẩy lạm phát toàn phần tạm thời vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong một vài quý.
"Tình hình này làm dấy lên câu hỏi về thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Dù giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,0%, nhưng lãi suất trên thị trường mở đã được đẩy lên 3,8% vào ngày 26/7 từ mức 2,5% trước đó.
Trong bối cảnh Fed đang tiếp tục thắt chặt chính sách, chúng tôi tin rằng động thái này là một tín hiệu theo hướng thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước, trước hết bằng cách rút bớt thanh khoản. Chúng tôi kỳ vọng quý III sẽ là thời điểm bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia của ngân hàng trên nhìn nhận.