Vân Đồn - Thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt
Sáng ngày 24/9/2022, Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn” đã diễn ra với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo được chủ trì bởi ông Cao Tường Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Vân Đồn; TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Hội thảo đã công bố các kết quả, thành tựu nghiên cứu về Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn từ kết quả các dự án khai quật khảo cổ học, điền dã và hợp tác quốc tế.
Hội thảo Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn. Ảnh: Thu Lê.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận, đánh giá giá trị toàn diện của Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn (các vấn đề về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự...). Qua đó, xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.
Khởi đầu của Thương cảng Vân Đồn gắn với sự kiện “Trang Vân Đồn” được vua Lý Anh Tông (1009-1225) khai mở năm 1149. Kể từ đó, Vân Đồn đã trở thành một thương cảng quốc tế quan trọng của đất nước với một hệ thống các bến cảng, điểm kiểm soát tàu thuyền, hàng hoá, thu thuế và căn cứ phòng vệ.
GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ về vị thế của Thương cảng Vân Đồn tại Hội thảo. Ảnh: Thu Lê.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Vân Đồn là một trong những thương cảng hình thành, phát triển sớm của Việt Nam. Nằm trên một trong hai tuyến chính của hệ thông hải thương Đông Nam Á, vùng biển đảo Đông Bắc, mà trọng tâm là thương cảng Vân Đồn là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao tiếp kinh tế, văn hoá trọng yếu của Đại Việt. Giữ vị trí trọng yếu trên tuyến giao thương Liên Á, cùng với Thăng Long, Vân Đồn là nơi tập trung nhiều nhóm thương nhân, sứ đoàn các nước. Trên phương diện kinh tế đối ngoại, Vân Đồn là trung tâm luân chuyển các nguồn hàng từ Đông Bắc Á xuống, từ Đông Nam Á lên, từ miền Tây xuống và từ phía Đông về. Do nắm giữ vị trí trung tâm, chuyển giao hàng hoá mang tính liên Á mà Vân Đồn có nhiều điều kiện kết nối với các quốc gia, thị trường khu vực. Thương cảng Vân Đồn đã duy trì hoạt động liên tục trong suốt 7 thế kỷ - đây cũng là thương cảng có quá trình phát triển kiên tục, lâu dài nhất trong lịch sử các thương cảng của Việt Nam.
Theo tham luận của ThS. Lưu Ngọc Thành, Đại học Văn hoá Hà Nội, hiện nay, Vân Đồn đang tận dụng tối đa những lợi thế, phát huy tiềm năng cả về tự nhiên và nền tảng văn hoá để “cất cánh”, trở thành vùng động lực phát triển không chỉ đối với Quảng Ninh mà còn cho cả vùng tam giác kinh tế trọng điểm của miền Bắc. Từ những bãi triều đầy sú vẹt, nay những đô thị, khu dịch vụ tầm cỡ đang dần được hình thành. Nơi từng đón tàu buôn của Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc thế kỷ thứ XII, nay là Cảng hàng không quốc tế. Từ sự độc đáo về địa lý và khác biệt về cơ chế, Quảng Ninh đã từng bước đưa Vân Đồn thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Các khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, bến cảng, tổ hợp công nghệ cao, khu đô thị thông minh... đang được triển khai xây dựng tại Khu kinh tế Vân Đồn.
Ngày 1/9/2022, Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã được khánh thành và đưa vào sử ASEAN, tiếp tục khẳng định vị thế mũi đột phá của Vân Đồn trong định hướng phát triển của Quảng Ninh. Không chỉ là thương cảng của quá khứ, Vân Đồn đã và đang mở cửa, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển, trở thành đầu mối giao thương, trung tâm dịch vụ của hiện tại và tương lai.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: kết quả buổi hội thảo có giá trị rất lớn với tỉnh Quảng Ninh nói chung và Vân Đồn nói riêng trong công tác quy hoạch và kiến tạo các hành lang phát triển mới. Ảnh: Thu Lê.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khác cũng đã có những bài tham luận chia sẻ về các giá trị văn hoá, lịch sử của Thương cảng Vân Đồn. Hội thảo đã tập hợp 34 bài viết tham luận, trong đó có 04 bài tham luận của nhóm chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ); 28 bài tham luận của cơ quan nghiên cứu Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và 02 bài tham luận của địa phương. Kết quả của Hội thảo có giá trị quan trọng, thiết thực đối với việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn, để đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, “góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, đưa Khu kinh tế Vân Đồn - một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh sớm trở thành khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước.” ông Cao Tường Huy nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu tư
https://baodautu.vn/van-don---thuong-cang-dau-tien-cua-nuoc-dai-viet-d174095.html