Nếu đặt câu hỏi “giai đoạn 5 năm qua, đâu là công trình, dự án mới mang dấu ấn doanh nghiệp nhà nước”, câu trả lời là “rất ít”.

Bể chứa dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

 

Tính riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Viettel, con số này là 4 dự án nhóm A, nhưng trong số đó, chỉ có 1 dự án được khởi công trong năm 2016 và 3 dự án được chuyển tiếp từ năm 2015. Đây là điểm rất khác biệt so với khu vực doanh nghiệp tư nhân tại cùng thời điểm.

Với tình thế trên, rất khó để nói về vai trò, vị trí dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Tất nhiên, phải thấy rõ, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp nhà nước vẫn đang đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.

Có thể nhắc tới vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, với tầm phủ sóng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel, VNPT, MobiFone đang chi phối hoạt động, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số, cung cấp nền tảng điện toán đám mây…

Doanh nghiệp nhà nước đang quản lý và vận hành các hạ tầng cảng biển và hàng không quan trọng, như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý 22 cảng hàng không trong cả nước... Các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Điều này cũng có nghĩa, con số không nhiều dự án mới của khu vực này trong 5 năm qua là điều cần bàn.

Thứ nhất, nguồn lực mà khu vực này nắm giữ rất lớn, nếu không triển khai các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, tạo sức lan tỏa… cho nền kinh tế, không tham gia các lĩnh vực sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghệ cao…, thì không thể nói đến tối ưu hiệu quả.

Thứ hai, phần lớn hoạt động của khu vực này thiên về hướng nội, chủ yếu khai thác lợi thế tự nhiên, lợi thế thống lĩnh thị trường - nghĩa là năng lực cạnh tranh quốc tế vẫn là một mục tiêu chưa đạt được.

Thứ ba, khi các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện dự án dở dang hoặc xử lý dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước, thì không thể nói đến kế hoạch cải thiện về quy mô và chất lượng...

Tất nhiên, có nhiều lý do để lý giải tình trạng trên, cả yếu tố chủ quan nằm ở năng lực doanh nghiệp và khách quan nằm ở cơ chế, chính sách. Việc phải xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong quá khứ do năng lực quản lý còn hạn chế cũng khiến một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro, nên không muốn thực hiện các dự án đầu tư mới, mở rộng hoạt động phạm vi ra toàn cầu, tham gia cạnh tranh quốc tế.

Song phải thấy rằng, trong 10 năm trở lại đây, các nỗ lực triển khai, củng cố vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách, pháp luật về doanh nghiệp nhà nước và các giải pháp thực thi trong giai đoạn qua chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; xử lý những tồn tại, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện tái cơ cấu, đầu tư của giai đoạn trước... Trong khi đó, cơ chế để doanh nghiệp nhà nước tự chủ trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành chưa rõ ràng.

Hệ quả là, các doanh nghiệp nhà nước không được làm hoặc không dám làm những việc bình thường như một doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước thua xa khu vực tư nhân trong huy động vốn, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đầu tư, kinh doanh, phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ…; thua xa về cơ chế thu hút người tài, nhất là đội ngủ quản lý giàu kinh nghiệm, tài năng, đẳng cấp khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, biến đổi nhanh, khó lường, cùng với sự xuất hiện của xu thế phát triển mới, đòi hỏi năng lực thích ứng của doanh nghiệp, thì cơ chế hoạt động khuôn cứng, thiên về mệnh lệnh hành chính đang bó tay, bó chân doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở thời điểm hiện nay không chỉ là cổ phần hóa, thoái vốn, mà cần cơ cấu lại danh mục đầu tư của Nhà nước, từ đó tối ưu hiệu quả nguồn lực nhà nước trong khu vực này. Có thể sẽ là thoái vốn, nhưng phải đầu tư thêm, hỗ trợ, khuyến khích, tạo cơ chế cho doanh nghiệp thực hiện dự án lớn, thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế…

Chỉ khi năng lực hoạt động, năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước thực sự ở thế đi đầu, thì khu vực này mới thể hiện rõ vai trò dẫn dắt.

Theo báo Đầu tư!