Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ tiếp tục được lan tỏa
(Dân trí) - Theo GS Vũ Minh Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân vật đi vào lòng dân và lịch sử dân tộc vì đã có công lớn củng cố lòng tin của nhân dân vào tương lai của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, chứng kiến hình ảnh người dân xếp hàng dài trên các con phố ở Hà Nội, TPHCM… chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông nhiều lần lặng đi vì xúc động.
Lặng người xúc động trước hình ảnh đoàn người xếp hàng kín phố
Hai ngày qua, hàng nghìn người dân ở khắp mọi miền đất nước xếp hàng dài, xuyên đêm dọc các con đường tại TPHCM, Hà Nội... để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều nơi người dân cũng lập ban thờ để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Tổng Bí thư. Cảm xúc của ông như thế nào khi chứng kiến những hình ảnh này?
- Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi đã có hình dung về nỗi buồn, sự đau xót của người dân qua những người tôi quen hay gặp trên đường.
Thế nhưng, khi theo dõi lễ Quốc tang 2 ngày, lễ truy điệu và lễ an táng Tổng Bí thư ở Nghĩa trang Mai Dịch, thì biểu hiện tình cảm lớn lao và sâu sắc của nhân dân đối với Tổng Bí thư đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi.
Tôi cùng đoàn đại biểu Đại học Quốc gia Hà Nội đã đến viếng Tổng Bí thư, sau đó lại cùng với dòng họ Vũ Võ tổ chức đoàn vào viếng. Lần nào, tôi cũng xúc động khi bắt gặp hình ảnh người dân xếp hàng dài trên các con phố ở Hà Nội.
Ông Đoàn Tấn Phụ (64 tuổi, ở Quảng Ngãi) mất một chân, được người dân và lực lượng chức năng hỗ trợ vào bên trong nhà tang lễ (Ảnh: Thành Đông).
Đặc biệt, ngày 26/7, trên suốt chặng đường từ Nhà tang lễ Quốc gia tới Nghĩa trang Mai Dịch, ở đâu cũng chật cứng người dân. Mọi người đủ lứa tuổi, từ các em nhỏ được bố mẹ đưa đến, những người trẻ hay cả những cụ ông, cụ bà tuổi đã cao vẫn ngồi xe lăn, chống gậy hòa vào dòng người đứng chờ đoàn xe tang đi qua để vĩnh biệt Tổng Bí thư.
Nhiều người vượt quãng đường cả nghìn cây số, chờ suốt nhiều tiếng đồng hồ chỉ để được tiễn đưa Tổng Bí thư trong mấy giây ngắn ngủi.
Đây quả thật là những hình ảnh hiếm có và rất xúc động.
Nhiều tuyến phố chật kín người dân đứng chờ tới lượt viếng Tổng Bí thư dù đêm muộn (Ảnh: Thành Đông).
Quanh khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia, Nhà văn hóa thôn Lại Đà (Đông Anh), nhiều người dân Hà Nội mở cửa đến đêm muộn cho người đến viếng nghỉ chân. Những chai nước, chiếc quạt miễn phí được đặt bên đường tiếp sức cho đồng bào trong lễ tang Tổng Bí thư. Nhiều người xa lạ cũng gắn kết lại với nhau, cùng hòa chung một nỗi buồn đau. Theo ông, điều gì đã tạo nên sức mạnh thống nhất, đồng lòng đến vậy?
- Những tình cảm ấy theo tôi hoàn toàn có thể hiểu được. Thứ nhất là người Việt Nam luôn có sẵn niềm tự hào với đất nước, dân tộc mình. Những cơ đồ, thành tựu của đất nước ta là công lao của toàn Đảng, toàn dân trong đó dấu ấn của Tổng Bí thư thể hiện rất rõ.
Trong thời gian Tổng Bí thư đảm đương vị trí cao nhất của hệ thống chính trị, vị thế đất nước ta đã được nâng cao. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Như Tổng Bí thư vẫn thường nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thứ hai là bởi, người Việt Nam thường biểu thị tình cảm sâu sắc với những nhà lãnh đạo xuất sắc.
Không chỉ là một người có tư tưởng có tầm nhìn chiến lược, mà ngoài đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất bình dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi cấp dưới, sâu sát thực tế, gắn bó với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng. Điều này đã tạo ra một ấn tượng rất sâu sắc đối với người dân.
Những ngày qua, tình cảm của người dân được lan tỏa, được nhân lên chính là hiệu ứng từ tấm gương của Tổng Bí thư đem lại.
Tôi cho rằng đây là những tác động tích cực cho tình cảm của người dân đối với đất nước, đối với Đảng và nhất là với khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sự ra đi của Tổng Bí thư là tổn thất to lớn với toàn dân tộc. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó tạo ra sự lan tỏa tình cảm của người dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết được tăng lên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản to lớn cho đất nước, nhân dân (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trong hơn 13 năm giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản lớn. Với cá nhân ông, ông ấn tượng nhất với dấu ấn, chỉ đạo nào của Tổng Bí thư?
- Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Đảng và dân tộc thật đồ sộ. Những đóng góp của một trí thức lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước theo tôi, thật vô cùng lớn lao, khó lòng kể hết.
Tôi còn nhớ trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 ngày 15/12/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, trong vòng 30 năm nữa (nghĩa là vào dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 100) Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ các nước phát triển.
Với ý chí đó của người đứng đầu Đảng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư đã được quán triệt tới toàn Đảng toàn dân là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.
Ở lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư hiểu sâu sắc tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, cùng với việc nhấn mạnh tư tưởng "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm có tính nền tảng "văn hóa là hồn cốt của dân tộc".
Đó chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là tài nguyên vô tận giúp đất nước tạo ra lợi thế con người trong quá trình hội nhập và đi lên trong quá trình toàn cầu hóa.
Người dân TPHCM chờ đợi bên ngoài cổng Hội trường Thống Nhất, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để vào viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Nam Anh).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngăn lại quá trình xói mòn lòng tin
Ông đánh giá ra sao về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực?
- Tôi cho rằng, lịch sử sẽ mãi ghi nhớ công lao của Tổng Bí thư cho một sự nghiệp vĩ đại: Đó là củng cố niềm tin của dân đối với Đảng.
Đất nước ta phát triển, mở cửa, kinh tế ngày một thịnh vượng nhưng kèm theo đó một bộ phận cán bộ quản lý thoái hóa, không giữ gìn được phẩm chất, tham nhũng, vi phạm kỷ luật. Bên cạnh sự thất thoát về ngân sách Nhà nước, những tổn hại đến tài sản của nhân dân thì điều mà Tổng Bí thư luôn lo lắng là niềm tin của dân với Đảng bị xói mòn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, sức mạnh của Đảng không gì khác là sự ủng hộ của nhân dân, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì Đảng không có lý do gì để tồn tại.
Điều đó có nghĩa là, khi lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị xói mòn thì chế độ đứng trước sự an nguy, quốc gia có nguy cơ khuynh đảo. Đây là vấn đề vô cùng trầm trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Giáo sư Vũ Minh Giang (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ở vai trò là người đứng đầu hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết thực hiện công cuộc phòng và chống tham nhũng một cách quyết liệt.
Khi tái đắc cử Tổng Bí thư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp lên một "chiến dịch chống tham nhũng" rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm đó bằng những hành động cụ thể.
Chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 31/7/2017, Tổng Bí thư ví von: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy.
Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".
Thành tựu của công cuộc phòng chống tham nhũng đem lại không chỉ là những tài sản có thể lấy lại cho đất nước, trừng trị loại bỏ những kẻ thoái hóa biến chất mà lớn lao hơn cả là củng cố được lòng tin của dân vào Đảng.
Đó là giá trị vô cùng to lớn, đồng nghĩa với việc củng cố sức mạnh của bộ máy chính trị, làm cho bộ máy trong sạch. Chúng ta muốn thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh thì phải có bộ máy trong sạch, vững mạnh.
Đó là công lao rất lớn của Tổng Bí thư để lý giải vì sao khi ông qua đời, người dân lại ngưỡng mộ, xót thương và lưu luyến Tổng Bí thư đến như vậy.
Lòng dân là thước đo công bằng, chuẩn mực
Nhiều người cho rằng "lòng dân là thước đo công bằng và chuẩn mực nhất", qua sự kiện này sẽ đánh thức lương tri, trách nhiệm của nhiều người. Ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ rằng những người đi vào lịch sử không phụ thuộc vào sự đánh giá của các nhà sử học mà phụ thuộc vào sự đánh giá của nhân dân. Sự đánh giá của nhân dân là công bằng nhất.
Có những người phải một thời gian sau thì công bằng ấy mới được trả lại. Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ khi còn đương chức, đương nhiệm và khi vừa từ trần thì nhân dân đã biểu thị ngay tình cảm như thế.
Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt người dân ngày Quốc tang (Ảnh: Trịnh Nguyễn - Trần Huấn).
Tôi nghĩ Tổng Bí thư sẽ là nhân vật lịch sử đi vào lòng dân và sẽ đi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng của một giai đoạn lịch sử bởi đã có công rất lớn củng cố lòng tin của nhân dân vào tương lai của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư đã tạo được dấu ấn cá nhân trong việc làm ngăn lại quá trình xói mòn lòng tin và củng cố lòng tin. Tôi cho đó là cống hiến cực kỳ to lớn của Tổng Bí thư và tư tưởng Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ tiếp tục được lan tỏa.
Ông kỳ vọng và mong mỏi gì với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới?
- Tôi nghĩ đây không chỉ là kỳ vọng của riêng tôi mà còn là của rất nhiều người, đội ngũ trí thức cũng như nhân dân. Chúng ta đã nhận thức được những tai hại của tệ tham nhũng mà chúng ta coi là quốc nạn.
Phòng chống tham nhũng một cách quyết liệt là điều mà nhân dân luôn ủng hộ. Song khát vọng, kỳ vọng của nhân dân đó là phải triệt tận gốc tệ nạn này chứ không phải chỉ là nay bắt người này, mai kỷ luật người kia.
Tôi kỳ vọng những người kế tục sự nghiệp vĩ đại của Tổng Bí thư sẽ nghĩ ra nhiều cách để có thể tận diệt tệ nạn này.
Điều quan trọng tôi nghĩ hãy để cho nhân dân tham gia vào việc này, tạo cơ chế lắng nghe, để nhân dân phát hiện. Có rất nhiều vụ việc người dân biết trước và nắm rõ trước khi cơ quan chức năng vào cuộc.
(Thiết kế: Tuấn Huy).
Đất nước ta xây dựng chính quyền vì dân, do dân, vậy nên cứ khi nào người dân được tôn trọng và tham gia thì sẽ giảm thiểu đi rất nhiều tiêu cực. Phải làm sao để như Tổng Bí thư lúc sinh thời đã nói làm cho người ta "không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng".
Tham nhũng sẽ để lại ô danh không chỉ cho cá nhân mà còn cho dòng họ, làng quê. Các biện pháp quyết liệt của các cơ quan tư pháp rất tốt nhưng chưa đủ.
Cần kết hợp giữa nhiều yếu tố, văn hóa truyền thống, quy định của pháp luật và đặc biệt là vai trò của nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng thì tôi nghĩ sẽ hiệu quả và tiếp nối được tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng, chỉ đạo nhiều năm qua.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian chia sẻ cùng Dân trí!