THỦ TƯỚNG VÀ DOANH NGHIỆP 2022: Bốn kiến nghị từ VCCI
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tổ chức ngày 11/8, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã đưa ra 4 kiến nghị nhằm tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, tổ chức ngày 11/8
Cách đây 1 năm, Thủ tướng có 2 cuộc gặp liên tiếp với cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc, ngày 8/8/2021 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cuộc 26/9/2021 giao VCCI chủ trì. Khẩu quyết lúc đó là: Vắc xin; Thích ứng an toàn, linh hoạt; Coi doanh nghiệp là chủ thể trong phòng chống dịch. Kết quả rất thành công, cuộc sống trở lại bình thường, doanh nghiệp hồi sinh.
Khi chúng ta kiểm soát được đại dịch thì lại xảy ra xung đột ở Nga - Ukraine, bất ổn toàn cầu, nguy cơ lạm phát và suy thoái ở các nền kinh tế lớn. Với khẩu quyết: ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế hiệu quả.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 7 tháng đầu năm 2022 đạt 133,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát thì tình hình lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt (chỉ số CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước), các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều được giữ ổn định…
Cuối tháng 7 vừa qua, VCCI đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. 150 đại biểu doanh nghiệp quốc tế đến Hạ Long, nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực đến và rất ngỡ ngàng, ngưỡng mộ sự bình an và phục hồi của Việt Nam. Các chỉ số kinh tế 6 tháng đầu năm cũng khẳng định thành công của Việt Nam.
Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
VCCI đồng tình với ý kiến phát biểu, kiến nghị của các doanh nghiệp tại hội nghị này. Để thực hiện “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”, VCCI kiến nghị Chính phủ quan tâm xử lý một số nguy cơ và nút thắt cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ nhất, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn để tái cấu trúc và phục hồi sau dịch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành. Đặc biệt cần khai thông việc hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32. Cân đối nới room tín dụng là bài toán khó mà Ngân hàng Nhà nước đang phải giải.
Thứ hai, nhân lực: các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó vì thiếu hụt. Làn sóng dịch chuyển của FDI cũng đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn nhân lực sẵn sàng. Nhân lực cần có những giải pháp lớn của Chính phủ, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp theo mô hình kết nối nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Vì thời gian có hạn, VCCI sẽ báo cáo Thủ tướng sau về vấn đề nhân lực cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, gồm chi phí thời gian, chi phí nhân lực, chi phí tiền bạc. Qua gặp gỡ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, họ quan tâm đặc biệt đến môi trường kinh doanh khi quyết định đầu tư. Đề nghị tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính trong một số theo phản ánh của doanh nghiệp là còn nhiều phiền hà như: đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường…
Thứ tư, nhắc đến các nguy cơ, điểm nghẽn, cũng cần nhắc cơ hội. Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn cơ hội từ các FTA. Việt Nam hiện đã có 15 FTA, qua khảo sát của VCCI thì thấy các doanh nghiệp FDI rất nhanh nhạy và khai thác tốt, nhưng doanh nghiệp Việt Nam khai thác rất hạn chế. Kiến nghị nên có Trung tâm thông tin và hỗ trợ khai thác FTA, đặt ở 1 bộ hoặc VCCI nếu được Thủ tướng giao. Đồng thời đề nghị tăng cường công tác dự báo kinh tế chiến lược, do quá trình phục hồi, phát triển còn dài, thế giới thì nhiều biến động tác động trực tiếp đến và kinh tế nước ta, ví dụ như: xung đột ở Ukraina, thay đổi chính sách zero covid của Trung Quốc vào cuối năm nay, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiếu thống nhất toàn cầu 15%.
Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp
https://diendandoanhnghiep.vn/thu-tuong-va-doanh-nghiep-2022-bon-kien-nghi-tu-vcci-228700.html