Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc gửi thông điệp tại phần mở đầu phiên kỹ thuật Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023, sáng 17/3.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc VBF 2023 - phiên kỹ thuật. Ảnh: Dũng Minh

Tham gia phiên kỹ thuật của VBF năm nay có 12 nhóm công tác, gồm điện, năng lượng, môi trường, nông nghiệp, đầu tư và thương mại, kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, nguồn nhân lực, đào tạo, du lịch, khoáng sản... Danh sách các nội dung kiến nghị gửi tới phiên kỹ thuật khá dày, với 53 trang.

Có thể nhắc tới một số vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất như chính sách mới về giá bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các kiến nghị về thuế, hải quan...

"Các bộ ngành liên quan đều có mặt để lắng nghe và trao đổi, để cùng đạt được môi trường kinh doanh thuận lợi, rất cần các ý kiến trực diện, cụ thể, như vướng ở văn bản gì, cơ chế nào, khó trong thực thi thế nào...", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh trước khi các nhóm công tác gửi khuyến nghị.

Đây cũng là mục tiêu của VBF suốt 25 năm qua, Đồng chủ trì Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ông Soren Roed Pedersen chia sẻ.

25 năm thành lập và phát triển, VBF đã chứng minh vai trò là đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, chuyển tải những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp tới Chính phủ, sát cánh cùng với Chính phủ tạo dựng môi trường kinh doanh.

“Năm nay, với chủ đề được chọn là Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, chúng tôi hiểu được đây là con đường tất yếu nhưng dài hạn, cần có những thay đổi cơ chế, chính sách.... để phát huy nguồn lực, động lực..., vì vậy, sẽ con nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chia sẻ, thảo luận”, ông Soren Roed Pederson nói.

Liên quan đến chủ đề của VBF năm 2023, Thứ trưởng Ngọc trao đổi thêm, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Ngay từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.

Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà iệt Nam đang hướng đến. Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý nhằm huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh và khuyến khích hoạt động sản xuất và đầu tư xanh, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng, chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn xác định cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tích cực trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững.

Vì vậy, bà cũng đề nghị các bộ ngành lắng nghe đầy đủ và giải quyết một cách thấu đáo, trách nhiệm, tận tình với phương châm lấy doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ.

"Với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh”, Phiên cấp cao - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/3/2023, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo Khánh Ly (Báo Đầu tư)

https://baodautu.vn/thu-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-chung-toi-muon-nghe-ca-nhung-thong-le-tot-va-kho-khan-truc-dien-tu-doanh-nghiep-d185667.html