Trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 9,4 nghìn ha diện tích đất tự nhiên và đất canh tác nằm ven sông Hồng, sông Luộc, thuộc địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Với lợi thế đất đai phì nhiêu, màu mỡ, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất, hình thành những cánh đồng chuyên canh, mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Bài 1: Đất bãi chuyển mình


Trong phát triển kinh tế vùng đất bãi hiện nay, mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp để phát huy tối đa tiềm năng đất đai đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Từ những khó khăn, đến nay sản xuất nông nghiệp ở các địa phương vùng bãi có nhiều khởi sắc, những cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn được hình thành, chăn nuôi phát triển. Xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) là một trong những địa phương có toàn bộ diện tích đất tự nhiên và canh tác nằm ở vùng bãi đê sông Luộc, với lợi thế đất đai phù hợp trồng cây rau màu, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn áp dụng KHKT trồng các giống ngô mới cho năng suất cao. Hiện nay, xã có trên 200 ha sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cây ngô được gieo trồng chủ yếu và là cây chủ lực mang lại thu nhập cho nông dân... Nhờ áp dụng KHKT, đưa giống ngô mới vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất trung bình trên địa bàn xã đạt gần 7 tấn/ha, trừ chi phí cho thu lãi 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Không cho đất nghỉ, khai thác tối đa tiềm năng đất nông nghiệp, đến nay, nông dân trong xã đã chuyển đổi hàng chục ha sang trồng cây ăn quả như nhãn, ổi, cam cho thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm. Tiềm năng đất nông nghiệp được khơi dậy, phát huy hiệu quả kinh tế đã mang lại cho người dân cuộc sống sung túc hơn...

Trồng hoa, cây cảnh trên đất bãi tại huyện Văn Giang cho hiệu quả kinh tế cao

Tại các địa phương vùng bãi của các huyện Văn Giang, Khoái Châu có ưu thế trong phát triển sản xuất hàng hóa, trình độ thâm canh của nông dân ở các địa phương này khá cao, tư duy thị trường nhanh nhạy, cùng với đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh. Các khu vực chân đất vàn cao, có đê bối bảo vệ được chuyển đổi sang trồng quất cảnh, quất quả, cây ăn quả đặc sản... cho thu lãi 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành những khu vực chuyên canh hàng hóa lớn, hình thành thị trường tại chỗ như vùng cây cảnh, cây thế, cây ăn quả ở các xã Phụng Công, Mễ Sở, Liên Nghĩa (Văn Giang), Đông Tảo, Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử (Khoái Châu)... Ngoài ra, ở các địa phương như huyện Khoái Châu, Kim Động... đã quy hoạch vùng trồng chuối với diện tích hơn 1 nghìn ha, thu nhập trung bình 350 - 400 triệu đồng/ha.

 

Trong điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, các sản phẩm từ cây trồng như ngô, khoai, đậu tương... cùng với lợi thế về bãi chăn thả nên chăn nuôi vùng bãi phát triển mạnh, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chăn nuôi của toàn tỉnh. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp vùng bãi chỉ chiếm 10,4% đất nông nghiệp toàn tỉnh nhưng đàn trâu, bò chiếm gần 30%, đàn lợn chiếm gần 15%, gia cầm chiếm gần 10% tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản đang khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp vùng bãi. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi vùng bãi, tỉnh, các ngành, địa phương có nhiều chương trình, dự án chăn nuôi như bò sữa, bò thịt, bò sinh sản góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) là một trong những điển hình trong chăn nuôi bò thịt, hiện xã có hàng trăm hộ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, trung bình mỗi hộ nuôi với số lượng từ 5-10 con, nhiều hộ nuôi từ 15-20 con, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Đường giao thông nông thôn tại xã Phú Thịnh (Kim Động) được đầu tư xây dựng góp phần phát triển kinh tế -xã hội vùng bãi

Những mô hình, cách làm trong sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương vùng bãi như trên cho thấy hiệu quả, khẳng định hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương vùng bãi trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không đồng đều giữa các vùng, địa phương, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tuy có chuyển biến nhưng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống người dân vùng bãi còn khó khăn, hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm có nhiều tiềm năng, song chất lượng, khối lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Sự kết hợp giữa người sản xuất và nhà phân phối, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ... Thực tế cho thấy, hệ thống thủy lợi mới bảo đảm tưới cho trên 30% diện tích và tiêu cho hơn 40% diện tích canh tác. Hệ thống lưới điện chủ yếu phục vụ sinh hoạt, điện phục vụ sản xuất gần như chưa có, giao thông còn nhiều khó khăn...


Để phát triển kinh tế vùng bãi, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, tỉnh, ngành liên quan và các địa phương cần ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để phát triển đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện lưới; có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản. Ngoài ra, cần quan tâm hỗ trợ các hoạt động về thị trường tiêu thụ nông sản, cung ứng giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất.