Trong bối cảnh toàn cầu đang rất bất ổn, nhiều chính sách kinh tế của Việt Nam cần được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thay đổi.

Nhiều chính sách kinh tế của Việt Nam cần được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thay đổi.

Tình hình hiện nay đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ chính sách liên tục để củng cố sự phục hồi của nền kinh tế với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang nổi lên. Sự bất ổn lớn của nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi nhiều chính sách phải được điều chỉnh cho phù hợp với những hoàn cảnh thay đổi.

Thứ nhất, Việt Nam cần có một lập trường chính sách tài khóa có tính bổ trợ lớn hơn để có thể phòng ngừa các rủi ro đối với tăng trưởng. Trong khi Việt Nam có không gian tài chính để hành động, thì cơ chế thực thi lại yếu. Việc giải quyết những tắc nghẽn và rào cản về thể chế - yếu tố làm cho chương trình đầu tư công kém hiệu quả  - sẽ làm cho các chính sách tài khóa hiệu quả hơn.

Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tập trung vào việc thực hiện đầy đủ gói chính sách phục hồi kinh tế - xã hội đã được thông qua vào đầu năm nay, nhằm thúc đẩy việc triển khai các dự án. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh phục hồi nhu cầu trong nước trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng dài hạn của Việt Nam.

Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu sẽ không chỉ giúp giảm bớt tác động của cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng đối với các hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương, mà còn tác động lên tiêu dùng cá nhân hiệu quả hơn so với việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường hiện nay, cũng như so với đề xuất cắt giảm thuế VAT và thuế nhập khẩu.

Thứ hai, rủi ro lạm phát gia tăng tại Việt Nam đòi hỏi phải có các chính sách tiền tệ linh hoạt. Do lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát và nền kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng, nên các chính sách tiền tệ hiện hành có vẻ phù hợp. Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát thành hiện thực, với lạm phát tăng nhanh và vượt mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nên sẵn sàng chuyển sang trạng thái thắt chặt tiền tệ để dập tắt áp lực lạm phát thông qua tăng lãi suất và kiểm soát dòng tiền chặt hơn.

Việc thực hiện các chính sách này cùng với việc trao đổi thông tin rõ ràng về các quyết định chính sách tiền tệ sẽ giúp hướng dẫn các bên tham gia thị trường và đảm bảo kỳ vọng lạm phát được duy trì tốt.

Trong trung hạn, những cải cách cơ bản hơn nhằm nâng cao khung khổ chính sách tiền tệ của NHNN và hướng tới việc đạt được mục tiêu lạm phát sẽ nâng cao hiệu quả và truyền tải chính sách tiền tệ. Điều này có thể bao gồm các động thái mở rộng các công cụ sẵn có đối với việc quản lý thanh khoản cũng như các biện pháp bảo mật vĩ mô nâng cao.

Thứ ba, rủi ro tài chính mới nổi cũng cần được chủ động quản lý để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính. Việc áp dụng chính sách hoãn trả nợ vào cuối tháng 6 là một bước quan trọng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng khoản vay hiệu quả hơn.

Điều quan trọng là phải tăng cường giám sát an toàn và đảm bảo rằng, các ngân hàng phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về báo cáo nợ xấu và trích lập dự phòng để nâng cao năng lực xử lý tổn thất và khả năng phục hồi của các ngân hàng. Nếu phát sinh tình trạng thiếu vốn, các ngân hàng nên được yêu cầu xây dựng các kế hoạch tái cấp vốn cụ thể và có thời hạn.

Một cơ chế phá sản doanh nghiệp hiệu quả và khung khổ pháp lý giải quyết hoạt động của lĩnh vực ngân hàng cũng rất quan trọng để đối phó với nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Cuối cùng, cải cách cơ cấu sâu hơn có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn và làm cho nền kinh tế linh hoạt hơn và bao trùm hơn. Cải cách tài khóa cần tập trung vào việc ổn định tạo nguồn thu thông qua cải cách chính sách thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu nhằm mở rộng không gian tài khóa cho các hoạt động chi tiêu vào các mục tiêu phát triển xã hội, khí hậu và các mục tiêu phát triển khác.

Thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân nhiều hơn vào hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên linh hoạt hơn. Điều này có thể đi kèm với các chính sách nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và công nghệ xanh của Việt Nam trong các thị trường đang phát triển.

Ngoài ra, trong khi nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, các nhà hoạch định chính sách cũng nên thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam.

Theo Dorsata Madan (Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới -WB) / Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/nhieu-chinh-sach-kinh-te-can-duoc-dieu-chinh-cho-phu-hop-voi-hoan-canh-moi-d171286.html