Hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn vận hành sản xuất ở mức tối đa, đáp ứng 80% nhu cầu xăng dầu trong nước trong những tháng còn lại của năm 2022.

Giá xăng dầu có thể tăng mạnh vào 21/2, dù đã ở mức cao nhất 8 năm
Báo cáo mới nhất về công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương khẳng định, về cơ bản, nguồn cung trong nước từ nay đến hết năm được đảm bảo. (Nguồn: TTXVN)

Dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ Công Thương cho biết: “Kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước, gồm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn trong quý III dự kiến đạt 3,9 triệu m3, đáp ứng 72% tổng nhu cầu; quý IV dự kiến đạt 4,4 triệu m3, đáp ứng 80% tổng nhu cầu.

Cả 2 nhà máy này đang vận hành ở công suất tối đa. Trong đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến vận hành ở công suất 105% trong 4 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Như vậy, riêng nguồn cung từ sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu, phần thiếu hụt còn lại được phân giao cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu.

“Về cơ bản, lượng sản xuất theo kế hoạch đề ra để cân đối cung - cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định.

Các doanh nghiệp cũng nhập khẩu theo tiến độ được giao, ước nhập khẩu tháng 8 là 520.000 m3 và dự kiến các tháng cuối năm, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khẩu 500.000 m3. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước ước tính là 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng.

Thời gian qua, khi nguồn cung trong nước căng thẳng do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố. Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - vốn chiếm 35-40% tổng cung - đã giảm mạnh công suất sản xuất, có thời điểm giảm công suất xuống mức 55%, thậm chí ngừng sản xuất do sự cố kỹ thuật, nên không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trong bối cảnh đó, việc giao tăng chỉ tiêu tăng đối với các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu đã được thực hiện khẩn cấp, nhằm không để đứt đoạn nguồn cung.

Về quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa, ngay cả khi nguồn cung trong nước gặp sự cố như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất hồi đầu năm 2022.

Mặc dù khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước những tháng cuối năm được đảm bảo, nhưng đặt trong tình huống bất khả kháng, việc phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm vẫn cần được tính đến.

Theo Bộ Công Thương, trong tình huống như vậy, sẽ tiến hành tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, khả năng sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu và ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành Quyết định Phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý IV/2022.

Việc này nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được Bộ phê duyệt năm 2022, nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Theo tính toán, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 gần 21 triệu m3, trong đó, nguồn cung trong nước đóng góp khoảng 14,4 triệu m3, còn lại là nhập khẩu.

Theo Báo quốc tế

https://baoquocte.vn/nha-may-loc-dau-van-hanh-toi-da-thi-truong-cuoi-nam-du-xang-dau-197504.html