Bộ Công Thương có những giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn để đảm bảo nguồn cung thông suốt, đáp ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống.

Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù lưu thông hàng hóa không còn bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất dần hồi phục nhưng giá nhiều loại hàng hóa, xăng dầu tăng đã gây áp lực không nhỏ tới doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng.

Trước bối cảnh đó, bên cạnh việc tham mưu với Chính phủ, Bộ Công Thương có những giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn để đảm bảo nguồn cung thông suốt, đáp ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống.

Sức ép gia tăng

Dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế từng bước ổn định trở lại, những tưởng hoạt động của doanh nghiệp có thêm cơ hội hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn.

Sau chuỗi liên tiếp tăng từ đầu năm, giá xăng đã tăng tới gần 30%, kỳ điều hành ngày 1/7 vừa qua, giá xăng dầu đã quay đầu giảm nhẹ. Dự kiến trong kỳ điều hành tới đây, giá xăng có thể tiếp tục giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinahe, tỉnh Bình Phước, chia sẻ trước tình trạng bão giá từ đầu năm đến nay, chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đã tăng hơn 20% nhưng giá sản phẩm bán ra thị trường vẫn chưa điều chỉnh.

Công ty đang cố gắng bình ổn giá nhằm đảm bảo doanh thu và không hy vọng tới lợi nhuận trong lúc này.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Phước Thiện, tỉnh Bình Phước - cho biết hơn 1.000ha chuyên canh mít ruột đỏ và một số cây ăn trái khác của thành viên và hộ liên kết hiện giờ chỉ còn duy trì 60% diện tích bởi chi phí đầu tư quá lớn.

Không những thế, các loại máy móc như máy phun thuốc, máy phát cỏ, máy xới đất, xe chuyển hàng cỡ nhỏ phải được vận hành bằng xăng dầu. Do đó, mỗi tháng hợp tác xã phải dùng trên 10.000 lít xăng dầu khiến chi phí đầu tư cho sản xuất không hề nhỏ.

Đó là chưa tính đến tiền công chăm sóc, tiền phân bón, thuê nhân công và để chia sẻ khó khăn với đơn vị vận chuyển, Hợp tác xã Phước Thiện cũng phải chịu một phần chi phí. Vì vậy, so với cùng kỳ năm ngoái hợp tác xã đã sụt giảm tới 40% lợi nhuận.

Lam phat nam 2022: Giam ap luc thi truong truoc bao gia hinh anh 2

Dây chuyền đóng gói tại Công ty Phân bón Bình Điền (Long An). (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy trước sức ép giá xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận chuyển... liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp lớn trong mảng thực phẩm và đồ uống (F&B) đã thông báo tăng giá bán sản phẩm.

Ở một góc khác, đến nay vẫn còn không ít doanh nghiệp đang cố gắng kìm giá và loay hoay đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào, giá vận chuyển hàng hóa thực phẩm, chi phí nhân công... vì sợ khách hàng quay lưng.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng thời gian qua, giá xăng dầu và chi phí vận chuyển tăng và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao khiến doanh nghiệp phải đổi mặt với không ít khó khăn.

Cùng đó, phía Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch cũng ảnh hưởng đến việc thông quan, nguồn cung gián đoạn đã tiếp tục tạo thêm áp lực cho lạm phát.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với vai trò điều tiết, quản lý thị trường hàng hóa trong bối cảnh lạm phát có khả năng tăng cao do nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19, Bộ Công Thương luôn chú trọng bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá bất hợp lý.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, sản xuất trong nước bị ảnh hưởng do nguồn cung từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.

Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn vì giá tăng mạnh và cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn bởi xung đột chính trị giữa Nga-Ukraine.

Trước tình hình này, ngay khi nắm bắt được vấn đề, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2/2022 cho 10 thương nhân đầu mối nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, Bộ Công Thương còn kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm thuế bảo vệ môi trường và một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.

Cụ thể như giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ đời sống nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế-xã hội.

Chủ động ghìm cương

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Theo đó, giá xăng giảm 1.000 đồng/lít, giá dầu giảm 500 đồng/lít.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay giá xăng dầu thời gian tới dự báo vẫn phụ thuộc diễn biến căng thẳng chính trị giữa Nga-Ukraine và chính sách cấm vận của châu Âu với Nga nhưng khó lên 150 USD vì các nước sẽ có biện pháp ngăn chặn đà tăng của giá xăng dầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường xăng dầu đến hết quý 3/2022.

Để góp phần ổn định thị trường hàng hóa, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - khẳng định lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu và việc trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ...

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra và xử nghiêm các hành vi vi phạm trên cả nước đối với các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu và kiên quyết xử lý nghiêm trong trường hợp sai phạm, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng theo dõi sát diễn biến cung cầu để đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá bất hợp lý.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ kết nối giữa địa phương và doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch; đẩy mạnh phương thức kinh doanh theo loại hình thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa các kênh cung ứng; chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 của Bộ Công Thương.

Căn cứ vào khả năng cung ứng của các nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công Thương sẽ cân đối nguồn cung và có phương án yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, tình hình nguồn cung cũng như xử lý kịp thời thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng./.

Theo Uyên Hương (TTXVN/ Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/lam-phat-nam-2022-giam-ap-luc-thi-truong-truoc-bao-gia/806228.vnp