Kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển bền vững
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhân dấu mốc kỷ niệm 77 năm Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2022), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, sau 2 năm đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển. Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được thúc đẩy triển khai quyết liệt, kỳ vọng sẽ tạo đà cho tăng trưởng của năm 2022 và những năm tiếp theo.
NỀN KINH TẾ ĐANG TRỞ LẠI QUỸ ĐẠO TĂNG TRƯỞNG
PV: Năm 2020-2021, Việt Nam trải qua nhiều tổn thương, mất mát do đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự chỉ đạo của Đảng, điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, chúng ta đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xin Thứ trưởng chia sẻ một vài thách thức lớn nhất và những nỗ lực đưa nền kinh tế phục hồi tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong 2 năm vừa qua (2020-2021), nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây nên. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra 4 làn sóng lớn tấn công sâu rộng trên toàn quốc với gần 1,7 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 31 nghìn người tử vong, kéo tăng trưởng kinh tế xuống dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Hai năm qua, hàng triệu người lao động bị mất việc làm; hàng vạn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch; ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, tháng 11/2021, nền kinh tế nước ta chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chính quyết sách này đã tạo luồng sinh khí mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân cùng sáng tạo để hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Cũng từ đây, lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn, kinh tế dần hồi phục và tăng trưởng trở lại ở những tháng cuối năm 2021. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,58% so với năm trước, đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bước sang năm 2022, Chính phủ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện. Theo đó, Chính phủ đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh... Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều điểm tích cực. Thứ nhất, khung khổ chính sách hướng tới thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ xây dựng, ban hành, thông tin và tổ chức thực hiện bài bản, có theo dõi, đánh giá thường xuyên. Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội được giữ vững, gắn với tham vấn và đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Thứ ba, công tác điều hành tiếp tục duy trì sự bài bản, gắn với việc cập nhật và đánh giá các kịch bản tăng trưởng. Thứ tư, Chính phủ vẫn giữ được dư địa chính sách để ứng phó với các kịch bản trong tương lai. Thứ năm, đà cải cách môi trường kinh doanh và tạo không gian cho các mô hình kinh tế mới vẫn được duy trì. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022 - cao hơn cùng kỳ của giai đoạn 2020-2021. Tăng trưởng kinh tế trong quý II/2022 cũng thể hiện đà phục hồi tích cực từ các quý IV/2021 và quý I/2022. So với khu vực châu Á, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong quý I/2022. Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã vượt đáng kể so với tiềm năng trong quý II/2022. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ. Đi qua 8 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta có sự phục hồi trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như các năm trước đại dịch. |
Đi qua 8 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta có sự phục hồi trên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (Trong ảnh: Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7/2022 với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành). |
CÁC CHỈ TIÊU NĂM 2022 TRÊN ĐÀ VỀ ĐÍCH |
PV: Dù lạc quan với kết quả kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022, nhưng những khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19, từ cuộc xung đột Nga - Ukraina, từ lạm phát thế giới đang tăng cao vẫn còn đó. Thưa Thứ trưởng, đâu là những giải pháp để nước ta hoàn thành được các mục tiêu của năm 2022? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi và thách thức đan xen. Tuy nhiên, dự báo được những thuận lợi, thách thức đó, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cho năm 2022, trong đó, mục tiêu đầu tiên là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển bằng nhiều giải pháp cụ thể. Các giải pháp hướng đến việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Năm 2022, Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6%-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%... Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2022 cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển, khả năng hoàn thành các mục tiêu là rất cao. Nguồn: Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 Cơ sở cho sự phục hồi, trước hết là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, thống nhất của Chính phủ kết hợp với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Đi qua khó khăn, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam được minh chứng thông qua khả năng triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là ý chí, sức sáng tạo, tinh thần kinh doanh mãnh liệt và bản lĩnh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vươn lên trong khó khăn của đại dịch. Chính ý chí và tinh thần ấy đã tạo nên việc làm, tạo nên tăng trưởng cho nền kinh tế và cho chúng ta niềm tin vào khả năng nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững trong tương lai không xa. |
ĐỘNG LỰC TỪ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI |
PV: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 được Nhân dân kỳ vọng tạo nên động lực mạnh mẽ cho đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, nhưng thực tế triển khai vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này? Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đầu năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức một Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nước ta chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đề ra 5 nhóm giải pháp quan trọng. Đó là, mở cửa kinh tế quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế; duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế; nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn; tăng cường thể chế. Để thúc đẩy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sớm đi vào thực tế, riêng việc triển khai công tác phân bổ vốn chi đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại 8 công điện, văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết liệt triển khai. Ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 450/TTg-KTTH thông báo danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai các nhiệm vụ được giao, Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp việc xây dựng, rà soát danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 16 văn bản, công điện gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về việc rà soát, đề xuất, có ý kiến đối với danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Liên quan đến đầu tư công, trên cơ sở đề xuất, rà soát của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện 11 tờ trình, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về danh mục và phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình. Đến nay, kết quả phân bổ vốn chi đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương như sau: Số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư là 146.898 tỷ đồng cho 91 nhiệm vụ, dự án. Số vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo, nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định là 2.173 tỷ đồng cho 21 dự án. Số vốn còn lại chưa thông báo, số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương không đề xuất nhu cầu bố trí là 26.929 tỷ đồng. Tại văn bản số 678/TTg-KTTH, ngày 31/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến cơ bản thông qua phương án dự kiến danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoàn thiện Tờ trình Chính phủ, dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay trong kỳ họp tháng 8/2022. Như vậy, có thể thấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao, đến nay, đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Nếu Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trọn vẹn theo kế hoạch đặt ra, tôi tin rằng, tiến trình phục hồi nền kinh tế sẽ rất tích cực, nhanh, hiệu quả và bền vững. Khi các giải pháp được thực thi hiệu quả và nhiều chủ thể, nhất là các doanh nghiệp, tận dụng được cơ hội để vươn lên, chắc chắn nền kinh tế nước ta không chỉ phục hồi, mà còn có khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022 cũng như trong những năm tới. PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! (Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 25, tháng 9/2022) |
Khi các giải pháp được thực thi hiệu quả và nhiều chủ thể, nhất là các doanh nghiệp, tận dụng được cơ hội để vươn lên, chắc chắn nền kinh tế nước ta không chỉ phục hồi, mà còn có khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. |
1. Thống kê sơ bộ cho thấy, các chính sách thuộc Chương trình đã giải ngân đạt khoảng 48 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, đến ngày 21/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân thực hiện 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình khoảng 9.200 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 6.941 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến 690 tỷ đồng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 1.420 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 111 tỷ đồng. 2. Thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, ngày 30/5/2022 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất khoảng 60.229 tỷ đồng. Đến ngày 22/7/2022, đã thực hiện giải ngân 196,7 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 344 nghìn người lao động. Đến nay, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 31 nghìn tỷ đồng. Chương trình - Hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng đến hết tháng 6/2022. Ngoài ra, ước tính đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 trong 7 tháng đầu năm khoảng 8.909 tỷ đồng (không thuộc phạm vi Chương trình). |
Theo Phương Anh/Tạp chí Kinh tế và Dự báo 10:25 | 02/09/2022
https://kinhtevadubao.vn/kinh-te-viet-nam-dang-tung-buoc-phuc-hoi-va-phat-trien-ben-vung-23839-23839.html