Các nhà phân tích tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực đáng tin cậy và quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, khi chiến lược chống Covid-19 đang được tối ưu hóa, cộng thêm khả năng phục hồi và tiềm năng lớn của nền kinh tế số hai thế giới.

Không phải Mỹ hay châu Âu, kinh tế Trung Quốc vẫn là động lực phục hồi đáng tin cậy của thế giới năm 2023?
Kinh tế Trung Quốc vẫn là động lực phục hồi đáng tin cậy của thế giới năm 2023, bất chấp chính sách hạn chế Covid-19 vẫn còn nhiều tranh cãi. Ảnh: Một trung tâm mua sắm vắng vẻ ở Thượng Hải. (Nguồn: New York Times)

Năm nay, trước nhiều thách thức, Trung Quốc đã duy trì sự ổn định chung của nền kinh tế bằng cách phối hợp chính sách ngăn chặn Covid-19 với phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời đưa ra hàng loạt gói kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định giá tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên 2022 vừa kết thúc đã nhấn mạnh mục tiêu "hoạt động kinh tế của Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến sẽ chứng kiến sự phục hồi và cải thiện tổng thể”.

Sức mạnh kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại

Có thể thấy rõ trong các chính sách tài khóa và tiền tệ, công nghiệp, khoa học và công nghệ và xã hội được “thiết kế” cho năm 2023, Bắc Kinh đặt ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế và yêu cầu vừa theo đuổi tiến bộ vững chắc vừa đảm bảo ổn định kinh tế cho năm tới.

Trung Quốc cũng cam kết mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước và phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò chính của đầu tư vào năm 2023, theo nội dung cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập hồi đầu tháng.

Xem xét thực tế rằng, trong bối cảnh những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ hay châu Âu còn đang lún sâu và bế tắc trong cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Đông Âu, Bắc Kinh vẫn có sẵn nhiều đòn bẩy chính sách để đảm bảo sự phục hồi bền vững, các nhà quan sát dự đoán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt kết quả tốt vào năm 2023.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva tin tưởng, Trung Quốc còn không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và chống lại áp lực suy giảm.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Societe Generale chỉ rõ: “Chúng tôi nhận thấy 3 đến 4 quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II hoặc quý III của năm sau”, đồng thời dự báo, nền kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.

Trong một báo cáo gần đây, Morgan Stanley cũng đưa ra dự đoán, kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở lại từ giữa năm 2023, đạt mức tăng trưởng cả năm là 5%.

Sự lạc quan của các nhà phân tích được xây dựng trên nhiều dấu hiệu và chỉ số tích cực. "Cổ phiếu Trung Quốc đã tăng 37% kể từ đầu tháng 11 sau nhiều tín hiệu tích cực, nới lỏng các hạn chế chống dịch Covid-19, mở cửa trở lại cho nền kinh tế", theo nghiên cứu của hai chiến lược gia thuộc UBS Christopher Swann và Vincent Heaney.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức công bố, hàng loạt công ty đa quốc gia đang mở rộng hoạt động và đầu tư vào Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đại lục trên thực tế sử dụng đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 168,34 tỷ USD.

Trong số các “nhà đầu tư nặng ký” có nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen, công ty đã công bố khoản đầu tư lên tới 3 tỷ USD vào hai liên doanh mới tập trung vào R&D ở Trung Quốc chỉ trong nửa cuối năm 2022.

Rhodium Group cho biết trong một báo cáo vừa công bố: “Các công ty lớn nhất đã đầu tư hàng tỷ USD vào tài sản địa phương và đang tích cực triển khai các kế hoạch đầu tư của họ”.

Tối ưu hóa chiến lược Covid

Với các hệ thống y tế được củng cố, các biến thể mới được thuần hóa và 90% dân số đã được “trang bị” vaccine, Trung Quốc gần đây đã công bố các biện pháp mới để tối ưu hóa việc kiểm soát dịch Covid-19, nỗ lực ngăn chặn những cú sốc của dịch bệnh đối với xã hội và nền kinh tế.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đã giữ cả tỷ lệ nhiễm Covid và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với số liệu của các nước lớn khác.

Theo quan điểm của Giáo sư kinh tế Wolfram Elsner thuộc Đại học Bremen (Đức), chiến lược kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc là một "hình mẫu toàn cầu về việc chống lại đại dịch". Bởi theo vị giáo sư này, trong khi kiềm chế tốt đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã làm rất tốt mục tiêu giảm thiểu thiệt hại kinh tế và bảo vệ sinh kế của người dân. Nước này đã đạt mức tăng trưởng GDP lần lượt là 2,3% và 8,1% vào năm 2020 và 2021.

Cùng quan điểm, nhà nghiên cứu Thong Mengdavid tại Viện Tầm nhìn châu Á có trụ sở tại Phnom Penh, nhận định rằng, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là kết quả của việc các ngành công nghiệp Trung Quốc nhanh chóng được nối lại nhờ gói chính sách của nước này nhằm ổn định nền kinh tế và chính sách kiểm soát Covid-19 hiệu quả.

Trong khi đó, nói về các biện pháp gần đây nhằm nới lỏng các hạn chế Covid-19 của Bắc Kinh, nhà kinh tế cấp cao Liang Guoyong thuộc Hội nghị Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc, cho rằng, dù sự thay đổi chắc chắn sẽ mang lại một số khó khăn trong ngắn hạn, nhưng sự điều chỉnh này có lợi cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế và niềm tin kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng lành mạnh.

“Hướng tới năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, với động lực tăng trưởng được củng cố đáng kể. Điều này sẽ cung cấp một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và góp phần vào sự ổn định chung”, chuyên gia Liang nhận định.

Tại sao là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu?

Là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn của hơn 130 quốc gia và khu vực, Trung Quốc luôn cam kết thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao và tăng tốc nỗ lực thúc đẩy một mô hình phát triển mới.

Thông qua các cơ chế đa phương như Sáng kiến Vành đai và Con đường và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Trung Quốc thậm chí đã trở nên gắn bó chặt chẽ hơn với các đối tác toàn cầu và khu vực, nhiều trong số đó đặt hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc để tạo động lực mạnh mẽ cho thế giới trong tương lai gần.

“Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế, đối tác kinh doanh quan trọng nhất đối với tất cả các quốc gia và doanh nghiệp”, Jan Knoerich, giảng viên cao cấp về kinh tế Trung Quốc tại Đại học King's College London khẳng định. Bởi vậy, bất cứ quyết định nào từ Bắc Kinh hay nền kinh tế này đang hoạt động như thế nào đều có tác động và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Nhà tư vấn kinh tế Badiea Shaukat tại Viện Chính sách phát triển bền vững, có trụ sở tại Islamabad, cho biết: “Với quy mô nền kinh tế “khổng lồ”, Trung Quốc cũng đang thể hiện vai trò của mình và trở thành vùng đất đầy cơ hội của phương Đông”.

Dữ liệu chính thức cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 38,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) (tương đương 5,5 nghìn tỷ USD). Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Theo Giáo sư cấp cao Joseph Matthews tại Đại học Quốc tế BELTEI ở Phnom Penh, sự tăng trưởng “chứng tỏ rằng, Trung Quốc đã mở cửa thị trường rộng lớn hơn cho thế giới và tích cực tham gia vào thương mại quốc tế ngay cả trong đại dịch Covid-19”.

Trong khi đó, Coskun Kucukozmen - giáo sư thương mại và tài chính tại Đại học Kinh tế Izmir của Thổ Nhĩ kỳ khá tin tưởng với nhận định, thực tế, Trung Quốc đã phối hợp hiệu quả trong việc ngăn chặn Covid-19 trong khi vẫn duy trì tốt sự phát triển kinh tế và xã hội, sẽ tiếp tục là một cường quốc kinh tế ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Theo Minh Anh (Báo Thế giới và Việt Nam)

https://baoquocte.vn/khong-phai-my-hay-chau-au-kinh-te-trung-quoc-van-la-dong-luc-phuc-hoi-dang-tin-cay-cua-the-gioi-nam-2023-210875.html