Việc kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông gồm 4 tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên tạo đà cho một khu vực kinh tế phát triển năng động.

 Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên vàp/Chủ tịch VCCI ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.br class=

Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Chủ tịch VCCI ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Ảnh: Quốc Tuấn

Ngày 28/7/2022, tại TP. Hạ Long, Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ký kết Thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Lợi thế và tiềm năng

Việc kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông là sáng kiến do VCCI đề xuất được sự đồng thuận của bốn tỉnh, thành phố, phù hợp trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công khẳng định: “Nếu trong lịch sử xa xưa, dòng sông luôn là trục phát triển và kết nối các trung tâm kinh tế, văn hoá của con người, thì ngày nay các con đường cao tốc đóng vai trò như dòng sông khi xưa tạo ra và kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị mới. Do đó, trục cao tốc phía Đông chính là tiền đề cho sự kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành. 4 địa phương khi liên kết lại sẽ tạo lên một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, từ đó tạo ra cực tăng trưởng trong Vùng đồng bằng sông Hồng”.

Thời gian qua, đã có nhiều Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường và thúc đẩy sự liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hay vùng Thủ đô... Gần đây nhất, ngày 21/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế-xã hội trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động liên kết của các tỉnh, thành phố.

Bốn địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên thời gian qua đã rất thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt là việc hình thành và phát triển trục hành lang giao thông, đường cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương.

Khơi thông nguồn lực, tối ưu thế mạnh

Theo Báo cáo đề xuất kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông của VCCI, việc liên kết bốn địa phương này sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần TP. HCM, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP. HCM.

VCCI đã có sáng kiến liên kết kinh tế bốn địa phương Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh dọc theo đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái.

Xét về chỉ số môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành (PCI), ngoài Quảng Ninh và Hải Phòng đang xếp thứ nhất và thứ 2 trên cả nước thì Hưng Yên và Hải Dương cũng có những bước phát triển vượt bậc những năm qua. Bốn địa phương đều có mật độ doanh nghiệp tính trên 1.000 dân cao hơn so với trung vị cả nước.

Sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn của bốn địa phương được cho sẽ củng cố các thế mạnh hiện có, đồng thời có thể tạo ra hiệu ứng tích cực hơn để phát triển doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng, khắc phục các hạn chế về logistics để qua đó cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh trong vùng.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông của VCCI không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa bốn tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng.

Qua đó, các địa phương sẽ cùng thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.

Theo Gia Nguyên (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/khong-gian-moi-cho-truc-cao-toc-phia-dong-227825.html