Kết nối doanh nghiệp nhà nước với dòng vốn xanh để tăng trưởng bền vững
Chiều 25/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp với Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị quốc tế về "Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước".
Con đường phục hồi kinh tế đang rất khó khăn, nhiều chông gai
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh là hết sức cấp thiết, nhưng cũng đòi hỏi huy động nguồn lực rất lớn cho việc triển khai các dự án thân thiện môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở... Để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngoài nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp trong nước thì việc hợp tác với các quỹ đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết.
Do đó, việc tổ chức hội nghị “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng bền vững” được kỳ vọng sẽ là cầu nối thiết thực, hiệu quả giữa các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế với các cơ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban nói riêng, để thúc đẩy hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư – kinh doanh giữa các bên, triển khai hợp tác các dự án đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nhấn mạnh hội nghị được tổ chức đúng thời điểm, với chủ đề thiết thực và cần thiết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại thời điểm năm 2021 chúng ta đều kỳ vọng vào sự phục hồi toàn diện của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Nhưng đến nay, có thể nói con đường đó đang hết sức khó khăn, nhiều chông gai và không bằng phẳng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: Dương An |
Các quốc gia đứng trước yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực thích ứng, khả năng chống chịu, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bảo đảm các cân bằng chiến lược giữa ngắn hạn và dài hạn; đồng thời tận dụng các động lực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thu hút hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng bền vững.
Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện tổ chức quốc tế, đại diện các quỹ đầu tư đã cùng đánh giá tình hình và thảo luận về các chính sách phù hợp cho Việt Nam trong thu hút nguồn tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững; giới thiệu các thực tiễn tốt về mô hình quản lý quỹ đầu tư công gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; các kinh nghiệm kết hợp nguồn lực công - tư phục vụ chuyển đổi xanh.
Các chuyên gia đều thống nhất, tăng trưởng bền vững là vấn đề toàn cầu với trách nhiệm chung của các quốc gia và các chủ thể tham gia. Do đó, việc thiết lập quan hệ đối tác công bằng, đối tác công - tư và nhiều bên hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết. Các ngân hàng phát triển đa phương, các đối tác phát triển, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ toàn cầu ngày càng đóng vai trò tiên phong, quan trọng trong huy động và cung cấp các nguồn đầu tư, tài chính xanh, các nguồn lực công nghệ và con người cho phát triển.
Còn trở ngại trong đón nhận dòng vốn xanh vào doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới cho thấy, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong khi đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực, vì vậy cần sự tham gia, góp sức lớn từ khu vực tư nhân, mà trong đó cộng đồng doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng. “Nguồn đầu tư từ nước ngoài có một tính chất quyết định trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh” - ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Trao đổi tại hội nghị, bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng tình rằng, việc cân bằng các mục tiêu phát triển và rủi ro khí hậu đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn tài chính quy mô lớn.
Để đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045 trong khi xây dựng một nền kinh tế có khả năng phục hồi và tuân thủ các cam kết giảm thiểu quốc tế, Việt Nam sẽ cần đầu tư bổ sung tương đương khoảng 7% GDP/năm. Chỉ riêng các khoản đầu tư vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã lên tới khoảng 17 tỷ USD/năm mà chỉ riêng thị trường vốn trong nước sẽ không thể đáp ứng những nhu cầu này. Thay vào đó, cần có sự kết hợp các nguồn lực công cộng, tư nhân và ưu đãi để tạo điều kiện cho một lộ trình phát triển mới.
Tạo cầu nối để đón dòng vốn cho tăng trưởng xanh Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, hội nghị này sẽ giúp các bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong việc hợp tác với các quỹ đầu tư huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời, kết nối các tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban với các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế trong triển khai hợp tác các dự án đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”. |
Giải pháp để thu hút nguồn tài trợ này, theo bà Carolyn Turk, là phải liên kết các cam kết về khí hậu với các dự án xanh hữu hình và khả thi về mặt tài chính. Cải cách PPP (quan hệ đối tác công - tư) với sự linh hoạt hơn trong đóng góp của Chính phủ và phân bổ rủi ro hợp lý là cần thiết, để cải thiện khả năng cấp vốn cho các dự án xanh và giúp mở ra tiềm năng cho khu vực tư nhân.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, với quy mô tài sản chiếm đến 43% GDP, sự dẫn dắt của các doanh nghiệp nhà nước mà đằng sau là sự hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro và huy động các khoản đầu tư tư nhân quy mô lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Các doanh nghiệp nhà nước là động lực kinh tế chính của tăng trưởng trong nước; đồng thời họ cũng chi phối các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon nhất của đất nước. Quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng ròng bằng 0 không thể diễn ra nếu không có sự lãnh đạo của Chính phủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk lưu ý nguồn vốn ODA hiện đang rất khó đến được với các doanh nghiệp nhà nước do thiếu các quy định rõ ràng về thủ tục. Vốn ưu đãi từ các quỹ khí hậu toàn cầu (CIF, GCF) cũng chưa thể vào được vào Việt Nam do chưa được quan tâm đúng mức. “Tôi thực sự khuyến nghị rằng, Chính phủ nên xem xét các thay đổi để tạo thuận lợi, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt nguồn vốn ODA cần thiết để giải quyết khẩn cấp nhu cầu đầu tư công trong lĩnh vực năng lượng” - đại diện WB đề nghị.
Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nguồn vốn xanh Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong hai năm qua, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức song vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lạc quan, đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2021, tăng 9,2% so với năm 2020 và đạt hơn 18 tỷ USD trong 10 tháng năm 2022. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ các mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Đây vừa là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vừa là vấn đề chiến lược nhằm nâng cao năng suất, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Với quyết tâm mạnh mẽ đó, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư và nguồn vốn xanh, bền vững của các quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính quốc tế. Đó là lợi thế của một nền kinh tế phục hồi ổn định sau dịch Covid-19, môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi với lực lượng lao động có sức trẻ, sức sáng tạo và khả năng thích nghi cao. Đó cũng là một nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, thực chất vào kinh tế khu vực và toàn cầu, có tiềm năng trở thành một trung tâm kết nối các chuỗi cung ứng và một mắt xích quan trọng của các hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới như: CPTPP, RCEP... |
Theo Hoàng Yến (Thời báo Tài chính)
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ket-noi-doanh-nghiep-nha-nuoc-voi-dong-von-xanh-de-tang-truong-ben-vung-117447-117447.html