Dòng tiền tỷ USD "rình rập", chứng khoán vẫn đang được quan tâm
(Dân trí) - Thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình xấp xỉ 24.000 tỷ đồng trong mỗi phiên cho thấy rằng dòng tiền vẫn chưa rút mạnh ra khỏi thị trường, các nhà đầu tư còn rất quan tâm đến chứng khoán.
Chứng khoán vẫn còn triển vọng, đáng được cân nhắc đầu tư
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Việc VN-Index vẫn tiếp tục duy trì đà giảm mạnh, lực bán tập trung vào nhóm mid-cap cho thấy tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư khi thị trường liên tục đón nhận tin xấu. Tuy nhiên, thanh khoản của VN-Index vẫn duy trì ở mức trung bình xấp xỉ 24.000 tỷ đồng trong mỗi phiên cho thấy rằng dòng tiền vẫn chưa rút mạnh ra khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ bản tốt đang dần cho ra những báo cáo tài chính tích cực sẽ phần nào giúp các nhà đầu tư bình tĩnh hơn và sớm thoát khỏi tình trạng bán tháo cổ phiếu. Dư nợ vay margin vẫn ghi nhận ở mức kỷ lục mặc dù đã chậm lại.
VN-Index trải qua chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2018 (Ảnh chụp màn hình).
Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 3 vẫn tiếp tục tăng mạnh (28%) so tháng 2. Điều này cho thấy rằng, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm đến thị trường chứng khoán và dòng tiền lớn vẫn đang đợi chờ quay trở lại khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp phát triển tốt có mức chiết khấu hấp dẫn.
Không những vậy, việc khối ngoại liên tục mua ròng các phiên gần đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được đánh giá có triển vọng và đáng được cân nhắc đầu tư.
Trong tuần tới, VN-Index khả năng sẽ có những nhịp tăng phục hồi tuy nhiên VCBS cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và tận dụng tốt những nhịp phục hồi này để cơ cấu lại danh mục của mình hơn là " bắt đáy".
Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu xoay quanh thị trường sẽ khiến cho tâm lý các nhà đầu tư không ổn định và có thể vẫn tiếp tục xuất hiện hiện tượng bán tháo.
Trong kịch bản tiêu cực xảy ra, VN-Index có thể sẽ phục hồi nhẹ và vẫn sẽ hoàn tất sóng 5 giảm theo lý thuyết. Thị trường ngắn hạn diễn biến theo hướng tiêu cực, nhưng cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu của doanh nghiệp tốt có mức chiết khấu hấp dẫn.
Nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể tiếp diễn
Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
Thị trường khép lại tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp với sắc xanh tương đối tích cực. Diễn biến giao dịch tiếp tục cho thấy sự tranh chấp mạnh gần hỗ trợ của kênh giá 1.380 +/- 5 điểm của VN-Index và ghi nhận tín hiệu hỗ trợ của dòng tiền ở khu vực này.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu giảm mạnh thời gian qua cũng bắt đầu có lực cầu hấp thụ lượng cổ phiếu ở mức giá thấp. Với động thái này, nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể tiếp diễn trong thời gian tới.
Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường sẽ được mở rộng. Việc mở mua cổ phiếu cần phải được xem xét kỹ hơn về động thái của dòng tiền mua chủ động ở cổ phiếu đó.
Chuỗi giảm điểm lâu nhất kể từ 2018, kháng cự tại 1.420 điểm
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index có liên tiếp 6 phiên giảm điểm trước khi hồi phục vào phiên cuối tuần, đây là chuỗi giảm điểm lâu nhất kể từ 2018. Làn sóng bán lần lượt qua các ngành khác trước các thông tin tiêu cực đã kéo thị trường vào vòng xoáy giải chấp margin, qua đó tạo tâm lý rất tiêu cực lên thị trường.
VN-Index xuyên thủng qua SM200 và lùi về sâu về sát 1.350 điểm trước khi có phiên hồi phục. Chỉ báo kỹ thuật RSI đã bước vào vùng quá bán, trong khi các chỉ báo kỹ thuật khác chuyển biến xấu. Cây nến Doji với bóng nến dài với thanh khoản tăng cao trong 2 phiên cuối tuần cho thấy nỗ lực bắt đáy của thị trường khi đường giá liên tiếp rơi khỏi dải bollinger band.
Một vài đặc điểm chú ý của đồ thị ngày: Chỉ báo RSI giảm từ 35 xuống 28, nằm trong vùng quá bán; MACD mở rộng so với đường tín hiệu và mức 0; VN-Index giảm dưới SMA200.
Theo đó, BSC nhận thấy, tín hiệu phục hồi xuất hiện khi VN-Index giảm về mức Fibonacci 61,8% trung hạn. Dấu hiệu này mang lại chút hy vọng về khả năng hồi phục sau 6 phiên giảm điểm. Tuy nhiên vận động chưa đảm bảo cho khả năng thị trường đã có thể tạo đáy.
Góc nghiêng đồ thị VN-Index từ giai đoạn tăng 3/2020 giảm từ 45% độ xuống 33% vào tháng 2/2022 và giảm tiếp về mức 28% ở thời điểm hiện tại. Một góc nghiêng đồ thị có thể duy trì tính bền vững ở mức 20 độ, cho thấy chỉ số vẫn sẽ còn những biến động phức tạp trong quá trình tái lập cân bằng mới.
Ở những phiên hồi phục, 1.420 điểm sẽ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự chỉ số và một sự thất bại trong việc lấy lại vùng điểm này nhà đầu tư vẫn chưa thể tự tin thị trường có thể quay lại xu hướng tích cực.
Tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát diễn biến thị trường
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường trong nước có phiên giao dịch kết thúc tuần hồi phục sau khi giảm liền 6 phiên liên tiếp. Việc thị trường phục hồi ở phiên cuối tuần không phải do dòng tiền vào mạnh mẽ, thay vào đó là sự đồng thuận ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt vốn hóa lớn như ngân hàng, thép, bất động sản. Trong đó số mã giảm sàn cũng đã ít hơn và khối ngoại vẫn đang tích cực mua ròng trong những phiên gần đây.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tăng lên mức 22.954 tỷ đồng so với mức 19.412 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 24.400 tỷ đồng ở tuần trước.
Thanh khoản thị trường tăng dần cho thấy nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh các mã cổ phiếu chiết khấu về mức hấp dẫn, do vậy nhóm cổ phiếu bluechips hoạt động rất sôi động. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và quan sát diễn biến thị trường ở vùng hỗ trợ 1.350-1.370 điểm, trong kịch bản lạc quan thị trường có thể hồi về vùng 1.425 điểm.