Tại Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII vừa qua đã chứng kiến “bức tranh tăng trưởng” ấn tượng của các KCN, KKT phía Bắc. Một trong các nguyên nhân quan trọng để các KCN, KKT phía Bắc đạt được nhiều thành công là do Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã quan tâm đẩy mạnh công tác công tác thi đua khen thưởng gắn với việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn.

“Đòn bẩy” thúc đẩy KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng trưởng và phát triển ấn tượng
Toàn cảnh Hội nghị Câu lạc bộ các Ban, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII

 

Vượt qua dịch bệnh, trong hai năm vừa qua và 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động quản lý nhà nước trong các KCN, KKT tại 30 địa phương các tỉnh, thành phố phía Bắc được triển khai đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả trên các lĩnh vực được phân cấp. Qua đó đã thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước và phát triển KCN, KKT tại các địa phương phía Bắc có nhiều bước phát triển vượt bậc.

Sức bật phát triển của các KCN, KKT phía Bắc

“Đòn bẩy” thúc đẩy KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng trưởng và phát triển ấn tượng

Nhà máy ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ, Cát Hải, TP Hải Phòng

Về tình hình phát triển KCN: Hiện nay các KCN, KKT của 30 tỉnh, thành phố phía Bắc có số KCN theo quy hoạch được phê duyệt là 257 KCN với diện tích được quy hoạch là 1.089.680 ha. Trong đó: Số KCN đã đi vào hoạt động là 132 KCN (chiếm 52,2% số KCN đã đi vào hoạt động của cả nước), với diện tích theo quy hoạch là 65.680 ha (chiếm 40,8% tổng diện tích các KCN đã đi vào hoạt động của cả nước); Số KCN đang xây dựng hạ tầng là 61 KCN, với diện tích đất quy hoạch là 11.648,9 ha; Số KKT là 15 KKT (chiếm 52,9% tổng số KKT đã được thành lập của cả nước).

Kết quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư: Dự án cấp mới được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 1.323 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.473.570,92 tỷ đồng và 14.412,15 triệu USD, dự án điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 3.094 dự án với tổng số vốn tăng thêm là 757.872,64 tỷ đồng và 33430,11 triệu USD; Tổng số dự án đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lũy kế đến ngày 30/6/2022 là 8.307 dự án với tổng số vốn đăng ký là 23.105.905,43 triệu USD và 1.905.022,96 tỷ đồng; Vốn thực hiện của các dự án đầu tư thứ cấp là 6.844.980,82 triệu USD và 331.102,71 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN, KKT: Doanh thu đạt 274.521,82 triệu USD và 6.195.436,97 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 321.553,64 triệu USD và 30.156,77 tỷ đồng; Giá trị nhập khẩu đạt 212.580,47 triệu USD; Nộp ngân sách đạt 278.882,57 tỷ đồng; Tổng số lao động trong các KCN đến ngày 30/6/2022 là 1.846.118 người.

Nhìn chung, các dự án trong KCN, KKT duy trì hoạt động ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, tạo ra nhiều ngành nghề mới, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập trung bình khá, từng bước nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Để gặt hái được những kết quả trên là do Câu lạc bộ các Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc đã luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đơn vị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT.

Trong những năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và ngày càng có diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các KCN cũng không nằm ngoài tác động tiêu cực đó. Tuy nhiên với tinh thần cố gắng nỗ lực không ngừng của các hội viên Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc nói riêng và chủ đầu tư hạ tầng KCN, các nhà đầu tư thứ cấp nói chung; hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN tại các địa phương phía Bắc tiếp tục được duy trì ổn định và tăng trưởng, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Cùng với đó, việc phân cấp, ủy quyền đầy đủ của các UBND tỉnh, thành phố đã tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước của một số Ban Quản lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý. Đồng thời việc thực hiện tốt cơ chế "một cửa, tại chỗ" đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính; Công tác giám sát, hậu kiểm được tăng cường; Việc nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được quan tâm, thực hiện kịp thời đã góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KKT tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước

“Đòn bẩy” thúc đẩy KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng trưởng và phát triển ấn tượng
Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hàng trên, ngoài bên phải) dự Hội nghị Câu lạc bộ các Ban, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII

Được biết một trong các nguyên nhân quan trọng góp phần thúc đẩy các KCN, KKT phía Bắc tăng trưởng và phát triển ấn tượng trong thời gian qua là nhờ các Ban Quản lý KCN, KKT của các tỉnh, thành phố phía Bắc luôn nhận thức được vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN, KKT trên địa bàn. Các phong trào thi đua yêu nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương phát động đã được các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc quan tâm triển khai có hiệu quả.

Việc tổ chức và triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành KCN, KKT phía Bắc đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc thù của từng đơn vị; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể vững mạnh.

Không chỉ dừng lại trong phạm vi các Ban Quản lý KCN, KKT, các phong trào thi đua do các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc phát động đã được lan tỏa sâu rộng đến các doanh nghiệp trong các KCN, KKT; là đòn bẩy hữu hiệu thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp KCN, KKT vượt qua những khó khăn thách thức của nền kinh tế toàn cầu do tác động của dịch bệnh Covid-19 để đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đưa môi trường đầu tư kinh doanh trong các KCN, KKT phía Bắc tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT.

Đánh giá về hoạt động triển khai công tác thi đua trong toàn ngành KCN, KKT cả nước, bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ, trong ngành KCN, KKT, phong trào thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở các đơn vị trong ngành. Nhiều phong trào thi đua của các đơn vị khối Ban Quản lý KCN, KKT đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ở mỗi địa phương, đơn vị.

Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua của Ngành một cách thiết thực, gắn liền với nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi đơn vị; năm 2014, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định tổ chức hoạt động thi đua theo hình thức Khối thi đua các Ban Quản lý các KCN, KKT, KCX. Với mục đích tạo điều kiện để các Ban Quản lý KCN, KKT có cơ hội trao đổi, phổ biến, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý KCN, KKT, KCX; đồng thời chia sẻ cách thức tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng và tuyên dương các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong các phong trào thi đua, mặt khác tăng cường hơn nữa mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong Khối.

Đến nay, sau 3 năm tổ chức thi đua theo hình thức Cụm-Khối, có thể khẳng định việc triển khai xây dựng Cụm-Khối thi đua đã thể hiện rõ chủ trương đúng đắn và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các Ban Quản lý KCN, KKT trong công tác thi đua khen thưởng. Qua hình thức sinh hoạt này cũng là điều kiện tốt để lãnh đạo các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh nâng cao hơn nữa về trách nhiệm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo nên động lực phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của địa phương, đơn vị.

Phó Vụ trưởng Bùi Thị Thu Hương tiếp tục chia sẻ, qua mấy năm gần đây, phong trào thi đua khối các Ban Quản lý KCN, KKT đã thực sự phát huy, lan tỏa những thông điệp tích cực. Trong các cuộc hợp sơ kết, tổng kết Khối thi đua, các nội dung chuyên môn luôn được các Khối đưa ra thảo luận, chia sẻ và quan trọng nhất là hình thành nên những thông điệp, những đề xuất mang tính liên kết Vùng, Khối; nhất là việc đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT và nhiều văn bản liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Ban Quản lý.

Trong giai đoạn đại dịch Covid hoành hành ở Việt Nam, các KCN, KKT đã phải hứng chịu nhiều khó khăn, thiệt hại đầu tiên; thì cũng chính từ các phong trào thi đua, cùng với sự đồng hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói chung và Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thông (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói riêng, sự chia sẻ giữa các Ban Quản lý với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”... những lời thằm hỏi, động viên và chia sẻ cách phòng chống dịch lúc cam go thực sự rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, gắn bó mật thiết giữa các Ban Quản lý. Đó chính là tính thiết thực, hiệu quả thể hiện vai trò to lớn và tính nhân văn của các phong trào thi đua”, bà Thu Hương nhấn mạnh.

Được biết hưởng ứng phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch Đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động vào năm 2017, thông qua việc cải cách thủ tục hành chính triệt để, tạo mọi điều kiện theo quy định hỗ trợ doanh nghiệp trong các KCN, động viên khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh xuất sắc, có chính sách an sinh xã hội tốt, đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công tác bảo vệ môi trường như đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ sạch, tiêu hao ít năng lượng, hướng tới sản xuất xanh… Theo đó, các Ban Quản lý KCN, KKT đã có kế hoạch triển khai cụ thể, bằng chứng là các chủ đầu tư KCN, KKT và các doanh nghiệp trong các KCN, KKT đang tiếp cận và tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, cộng sinh công nghiệp để hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Với sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình KCN sinh thái bắt đầu được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai từ năm 2015 tại 3 KCN và giai đoạn 2 từ năm 2020 tại 3 KCN nữa, tổng cộng đến nay là 6 KCN; với các KCN được thí điểm lựa chọn là: KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngoài ra, Dự án KCN sinh thái của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ phát triển các giải pháp Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) và cơ hội cộng sinh công nghiệp ở cấp độ doanh nghiệp và KCN đã được xác định từ pha trước của Dự án.

Đặc biệt gần đây Nghị định 35/2022/NĐ-CP ra đời đã quy định chi tiết về một số mô hình mô hình phát triển KCN, trong đó nổi bật là KCN sinh thái với các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển KCN sinh thái và thủ tục thành lập, chứng nhận KCN sinh thái. Qua đó đã tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

Một trong các hoạt động nổi bật trong việc tổ chức các phong trào thi đua ngành KCN, KKT thời gian qua được Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thông đánh giá cao là việc triển khai tổ chức Hội thao Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, KKT.

Thời gian vừa qua, Hội thao Khối thi đua trong ngành KCN, KKT đã được Khối thi đua các KCN, KKT các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung và Khối thi đua ngành KCN, KKT các tỉnh miền Đông Nam Bộ mở rộng triển khai hiệu quả. Đặc biệt gần đây nhất, cuối tháng 7 vừa qua tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Hội thao Khối Thi đua ngành KCN, KKT, Khu công nghệ cao các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung đã được tổ chức thành công rực rỡ. Qua đó góp phần tăng cường sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực lao động của mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống ngành KCN, KKT. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy một môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho cán bộ, công chức các Ban Quản lý KCN, KKT và các đơn vị thành viên trong các Ban Quản lý KCN, KKT, KCNC phát huy hiệu quả năng lực, làm việc có trách nhiệm cao trong cơ quan, tổ chức.

Dự kiến trong cuối quý III tới, Hội thao Khối thi đua các KCN, KCX, KKT các tỉnh miền Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức ở Phú Quốc, hứa hẹn một mùa thi đấu thể thao thật vui vẻ, đoàn kết và thành công. Hy vọng Hội thao Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, KKT tại các tỉnh phía Nam sẽ tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa và phát triển phong trào này sâu rộng trong toàn ngành KCN, KKT nhằm tạo động lực cho mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các KCN, KKT thi đua rèn luyện sức khỏe, sống tích cực, lạc quan yêu đời để đóng góp sức lực và trí tuệ cho cơ quan, đơn vị. Đồng thời tạo nhiều cơ hội để các đơn vị trong cùng ngành có cơ hội được giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm chuyên môn để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển các KCN, KKT tại địa phương./.

“Đòn bẩy” thúc đẩy KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng trưởng và phát triển ấn tượng
KCN Bắc Tiền Phong tại KKT ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

 

Theo Nguyễn Hằng (Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

https://kinhtevadubao.vn/don-bay-thuc-day-kcn-kkt-cac-tinh-thanh-pho-phia-bac-tang-truong-va-phat-trien-an-tuong-23846.html