Nông dân và doanh nghiệp đang thiếu chuyên nghiệp, "bẻ kèo lẫn nhau" dẫn đến các mối liên kết đều không thành công, theo Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị.

Sáng 12/9, tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề Người nông dân chuyên nghiệp, ông Nghị phân tích các bên nói rất nhiều đến mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" rồi "6 nhà", nhưng chưa trả lời tại sao tất cả liên kết không thành công? "Mấu chốt nằm ở hai nhà là nông dân và doanh nghiệp đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng. Khi mất mùa được giá thì nông dân bẻ kèo, được mùa rớt giá thì doanh nghiệp bẻ kèo", ông Nghị nói.

Giải pháp, theo ông Nghị, là nông dân và doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hơn, biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. "Chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp", ông Nghị nói.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Chiểu

Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị phát biểu tại diễn đàn sáng 12/9, ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Đồng tình với quan điểm trên, ông Johan Van Den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam (chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi) nói, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi liên kết hợp tác, đã nói là phải làm. De Heus đang tham gia chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại Đông Nam Bộ. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá gà trên thị trường chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá ký cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 19.000 đồng/kg.

"Nếu thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng. Nhưng chúng tôi vẫn thu mua gà lông cho bà con như với giá như cam kết", ông Johan Van Den Ban nói và cho biết nhờ giữ lòng tin với nhau mà ở châu Âu đã có rất nhiều HTX thành công, ví dụ Tập đoàn Topigs Norsvin - doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng nông nghiệp thiếu bền vững do nhiều yếu tố, trong đó có sự thiếu liên kết. "Liên kết giữa nông dân với nhau, đặc biệt là giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp. Nếu không có sự liên kết mà mạnh ai nấy làm thì không thể giữ được thương hiệu và không thể tạo ra giá trị. Việc liên kết có thành công hay không phải đến từ hai phía, cả nông dân và doanh nghiệp", ông Hưng nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Chiểu

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Chiểu

Bàn về giải pháp để nông dân chuyên nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói không còn con đường nào khác ngoài tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa. "Chừng nào nông dân chỉ bán nông sản thì cùng lắm chỉ khá thôi, nhưng bán luôn người nông dân mới là giàu. Ở đây là bán hình ảnh nông dân, bán tâm thế, tri thức, kiến thức, chữ tín... của họ", Bộ trưởng phân tích.

Lấy dẫn chứng từ một nông dân trồng nhãn ở Hưng Yên, Bộ trưởng kể lúc đầu khi bán một lô nhãn, anh này ngủ không được bởi lo lắng người mua ăn phải trái nhãn phun nhiều thuốc sẽ bị nhiễm độc. Sau đó, anh chuyển sang trồng nhãn hữu cơ để bây giờ mỗi lần chuyến hàng xuất đi thì ngủ rất ngon. "Đây chính là việc anh ấy bán chính mình, bán thái độ, bán tâm huyết, bán trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Chỉ khi nào chúng ta chuyển từ tư duy bán giá cả sang tư duy bán giá trị thì mới giàu", ông Hoan nói thêm.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Thaibinh Seed, nông dân chuyên nghiệp phải có tri thức, am hiểu quy luật kinh tế, thị trường, vốn, tài chính, chấp hành nghiêm quy định pháp luật... "Chúng ta cần doanh nhân hóa nông dân Việt Nam, tức không đơn thuần làm nông nghiệp mà là phát triển kinh tế nông nghiệp, làm kinh tế phải là doanh nhân. Nông dân phải có khát khao, biết chấp nhận rủi ro, biết vượt qua khó khăn, luôn xây dựng bản lĩnh để vươn lên và thành công", ông Báo nói.

Thời gian qua có nhiều mô hình liên kết như "3 nhà" gồm nông dân, doanh nghiệp, nhà nước; "4 nhà" thêm nhà khoa học; "6 nhà" thêm ngân hàng và nhà phân phối. Hiện cả nước có 10,2 triệu hộ hội viên, nông dân, trong đó hơn 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh 3,6 triệu hộ này là nòng cốt xây dựng người nông dân chuyên nghiệp.

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt 2,98% (cao hơn GDP bình quân chung cả nước), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục 48,6 tỷ USD. 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, xuất siêu 6,4 tỷ USD.

Theo Phạm Chiểu (Vnexpress)

https://vnexpress.net/doanh-nghiep-va-nong-dan-van-be-keo-lan-nhau-4510251.html