Doanh nghiệp đang rất cần sự hậu thuẫn về thể chế để cải thiện năng lực ứng phó với khủng hoảng. Đây là bài học rút ra từ những doanh nghiệp vượt Covid-19 thành công.

 

Doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy HPC Hà Nội. Ảnh: Đ.T

Bài học từ khủng hoảng

Kết quả Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố giữa tuần này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm.

“Hành vi của doanh nghiệp trong khủng hoảng sẽ là bài học quý cho không chỉ doanh nghiệp, mà cả các nhà hoạch định chính sách”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định khi phân tích các yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19 thành công.

Theo kết quả nghiên cứu trên (tổng hợp từ khảo sát 630 doanh nghiệp), năng lực quản trị doanh nghiệp đứng đầu, với 32,9%. Tiếp sau là thị trường, khách hàng (20,5%); quy mô vốn của doanh nghiệp (20%); ngành nghề kinh doanh (18%); khả năng huy động vốn (17,6%); thời gian hoạt động (14,9%) và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (14,4%).

Ở một góc độ nào đó, các yếu tố như thị trường, khách hàng, ngành nghề kinh doanh… trong khủng hoảng có yếu tố may mắn. Có thể thấy, trong giai đoạn dịch bệnh, trong khi du lịch, hàng không, bán lẻ… đứt gãy, thì lĩnh vực sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, thiết bị y tế lên ngôi…

“Tuy nhiên, việc doanh nghiệp xác định năng lực quản trị là yếu tố quan trọng nhất có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Hiếu chia sẻ quan điểm.

Một mặt, theo ông Hiếu, điều này thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp, nhưng mặt khác, quản trị tốt cũng là lời giải cho các bài toán quản trị nguồn lực tài chính, cân đối dòng tiền - các yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong và sau khủng hoảng.

Nhưng quan trọng hơn cả là, năng lực quản trị cần sự chủ động chuẩn bị và có chiến lược thực hiện trong một quá trình. Điều này thể hiện ngay trong việc lựa chọn giải pháp ưu tiên mà doanh nghiệp chọn cho quá trình phục hồi và phát triển sau Covid-19.

Trong khảo sát, ngoài giải pháp chuẩn bị kế hoạch sản xuất - kinh doanh thích ứng với tình hình dịch bệnh mà các doanh nghiệp đều chọn, thì phần lớn doanh nghiệp quy mô vốn lớn (trên 100 tỷ đồng) ưu tiên nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ hơn ưu tiên tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, bạn hàng mới, đa dạng nguồn hàng… trước khi tìm đến năng lực quản trị.

“Đầu tuần này, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng. Quản trị doanh nghiệp tốt cũng là một điều kiện quan trọng trong công tác này, vì sẽ thúc đẩy kinh doanh liêm chính… Có lẽ, chúng ta cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị một cách mạnh mẽ hơn, không phải là bằng chế tài, nhưng cũng cần thúc ép”, ông Hiếu đề xuất.

Doanh nghiệp không thể đơn độc ứng phó

Trong phần khuyến nghị của Nghiên cứu, một phần không nhỏ các giải pháp được gửi lên Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, vị trí số 1 là khuyến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng.

“Covid-19 là một trường hợp điển hình của khủng hoảng mà những bài học rút ra thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, doanh nghiệp không thể một mình ứng phó với sự thay đổi này nếu không có sự hậu thuẫn từ cơ chế chính sách, từ các hành động của Chính phủ, các bộ, ngành”, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn chia sẻ lý do của Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19 mà Cục thực hiện.

Khác với thông lệ các cuộc khủng hoảng trước đây với chu kỳ khoảng 10 năm một lần, khủng hoảng hiện tại xuất hiện bất thường, không dự báo được, không theo chu kỳ. Vì vậy, theo ông Tuấn, bên cạnh việc chuẩn bị năng lực bên trong doanh nghiệp, cần ý thức rõ năng lực của mình, nhận thức tình hình, bối cảnh kinh tế để chủ động có giải pháp, thì sự rõ ràng, minh bạch, dễ tiên liệu và có thể xử lý nhanh theo bối cảnh của cơ chế, chính sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Có thể thấy ngay thực tế trên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 năm 2021, thời điểm trước và sau khi có Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trước khi có Nghị quyết, các doanh nghiệp rất khó tính toán giải pháp chống chịu vì không biết các địa phương đóng, mở thế nào. Khi Nghị quyết 128/2021/NQ-CP ra đời cùng các nguyên tắc phòng chống dịch rõ ràng, dù dịch bệnh vẫn còn, nhưng doanh nghiệp và cả người dân đã có thể lên kế hoạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả cuộc sống hàng ngày.

Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp không chỉ cần các bộ, ngành, địa phương giải quyết các bất cập do quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, mà còn cần thực hiện với tốc độ nhanh hơn, với tư duy phù hợp với bối cảnh mới.

“Một trong những giải pháp vượt khủng hoảng thành công của doanh nghiệp là chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Nhưng nếu các cơ chế, chính sách không cập nhật kịp thời, thì doanh nghiệp cũng khó tận dụng cơ hội. Trong khó khăn, doanh nghiệp không thể đợi 1-2 năm để các cơ quan tháo gỡ vướng mắc”, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) phân tích.

Đây cũng là vấn đề mà Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy đang quan tâm. “Cho đến giờ, sau 5 năm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn chưa xong, có những tiêu chí chưa xác định rõ như thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để nhận hỗ trợ từ ngân sách. Tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thị trường hơn thì mới thực sự hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời được”, bà Thủy nói.

Thậm chí, trong bối cảnh doanh nghiệp đang cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình kinh doanh, cần tiến hành các hoạt động mua bán, sáp nhập nhanh chóng, thì doanh nghiệp không chỉ cần các điều kiện gia nhập thị trường thuận lợi, mà cần cả sự thuận lợi khi rút khỏi thị trường

Ở góc độ này, rõ ràng, năng lực ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp đang cần sự hậu thuẫn của năng lực thay đổi thể chế mới của các cơ quan hoạch định chính sách.

Doanh nghiệp xác định các đặc điểm vượt Covid-19 thành công

Hoạt động sản xuất - kinh doanh được duy trì và phát triển: 56,8%

Có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi kế hoạch sản xuất - kinh doanh, định hướng kinh doanh: 49,5%

Năng lực quản trị doanh nghiệp được hoàn thiện và nâng cao; có kinh nghiệm và chiến lược ứng phó với khủng hoảng: 43,7%

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…: 36,8%

Kiểm soát tốt về nguồn lực tài chính và nhân lực: 35,1%

Theo Khánh An (Báo Đầu tư)

https://baodautu.vn/doanh-nghiep-khong-the-don-doc-ung-pho-khung-hoang-d177552.html