Nếu doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, thì văn hóa kinh doanh chính là linh hồn của doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh là "trụ cột tinh thần" làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và cung cách hành động chung. Như vậy, bản chất của văn hoá kinh doanh là làm cho cái lợi gắn bó chặt chẽ với cái đúng, cái tốt và cái đẹp. Các yếu tố cấu thành văn hóa kinh doanh bao gồm: triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa ứng xử trong hoạt động kinh doanh1.

Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do VCCI phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.

Tạo ra sự ổn định, bền vững

Các yếu tố nền tảng của văn hóa kinh doanh như: Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử... được định hình trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo nên uy tín, hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp trên thương trường. Uy tín càng cao, hình ảnh càng gây thiện cảm, có sức lôi cuốn thì càng đưa tới sự ổn định và phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Chính vì thế, văn hoá kinh doanh chính là tài sản vô hình quý giá của doanh nghiệp và trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thông thường, hoạt động kinh doanh được thúc đẩy bởi nhiều động cơ, trong đó kiếm được nhiều lợi nhuận thường là động cơ quan trọng nhất. Tuy nhiên, dù lợi nhuận có quan trọng đến đâu cũng không phải là thước đo duy nhất đối với hoạt động kinh doanh. Nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh vì mục tiêu kinh tế và tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật, vô hiệu hoá sự điều tiết của các chuẩn mực văn hoá, làm ăn gian dối, thất tín, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, xâm hại môi trường..., thì doanh nghiệp có thể giàu lên rất nhanh, gia tăng lợi nhuận rất lớn. Nhưng kiểu kinh doanh này sẽ không lâu bền vì đó là lối kinh doanh chụp giật, ăn xổi ở thì, nên nếu bị phát hiện sẽ bị khách hàng tẩy chay, pháp luật trừng trị và cả xã hội lên án.

Ngoài ra, các nhân tố văn hóa kinh doanh ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp còn có: môi trường lao động an toàn, thù lao thích đáng, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được ghi trong hợp đồng với nhân viên. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp càng quan tâm đến nhân viên bao nhiêu thì các nhân viên càng tận tâm với doanh nghiệp bấy nhiêu.
Một môi trường làm việc có văn hóa sẽ có sức hút cao hơn đối với những người có tài, có năng lực chuyên môn. Nhiều khi người lao động làm việc không phải chỉ vì tiền lương, mà còn vì các điều kiện làm việc dễ chịu, tốt lành; họ cảm thấy được đối xử bình đẳng và tôn trọng, có cơ hội thăng tiến và hoàn thiện bản thân.

Văn hóa kinh doanh cũng chính là thứ tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Sự khác biệt này được bộc lộ không chỉ qua chất lượng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, mà còn qua quá trình tiếp xúc, giao dịch, hợp tác, thái độ nhiệt tình phục vụ khách hàng, tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ chữ tín, tôn trọng đối tác, sự hài lòng của khách hàng.

Các nhà đầu tư cũng thường rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, trách nhiệm  và uy tín của các doanh nghiệp mà họ đầu tư, với nhận thức rằng môi trường đạo đức là nền tảng cho hiệu quả, năng suất và lợi nhuận của doanh nghiệp.

"Chế tài" đặc biệt

Văn hóa kinh doanh mà quan trọng nhất là đạo đức kinh doanh chính là phương diện “đức trị” bên cạnh các công cụ “pháp trị” để điều chỉnh các hành vi kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật và quỹ đạo của các chuẩn mực đạo đức xã hội. Không một pháp luật nào, dù hoàn thiện đến đâu, có thể kiểm soát và giám sát được mọi hành vi kinh doanh.

Pháp luật không thể thay thế vai trò của đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó là do phạm vi ảnh hưởng của văn hóa, đạo đức rộng hơn pháp luật, nó bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần, trong khi pháp luật chỉ điều chỉnh được những hành vi liên quan đến chế độ nhà nước, quản lý xã hội…

Vì thế, văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật, khiến cho việc thực thi pháp luật được đầy đủ và triệt để hơn, giúp ngăn chặn các hành vi, việc làm sai trái. Văn hóa kinh doanh góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của các chủ thể kinh doanh, khiến họ đi đúng quỹ đạo của kinh doanh hợp pháp, hợp đạo lý, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích và bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm.

Thường thì các doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa không chỉ chú trọng đến lợi nhuận đơn thuần mà còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện ở sự gánh vác tự nguyện những nghĩa vụ, trách nhiệm vượt lên trên những trách nhiệm về kinh tế và pháp lý thông thường. Chẳng hạn, ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp còn thường tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đó chính là tính nhân văn của hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đang đặt ra những thách thức to lớn. Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm, thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh…, thì yếu tố văn hóa được coi là một “yếu tố vàng” đưa tới sự thành công và phát triển bền vững. Vì thế, việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của cả hệ thống doanh nghiệp nói riêng, của nền kinh tế Việt Nam nói chung. 

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

https://diendandoanhnghiep.vn/cot-cach-cua-doanh-nghiep-233915.html