Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Đất nước phát triển phải có văn hóa kinh doanh quốc gia
Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thì không chỉ có phát triển kinh tế mà văn hóa kinh doanh, văn minh mới là vấn đề lớn.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành VCCI Khóa VII, ngày 26/2.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công. Ảnh: Bảo Loan
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành một quốc gia phát triển, với thu nhập GDP trên 1.000 tỷ USD. Đây là câu chuyện rất khác so với ngày hôm nay, khi tổng GDP khoảng 368 tỷ USD.
Nền kinh tế lớn phải ở trình độ văn minh và văn hóa
Và câu hỏi đặt ra, ai là người làm và làm như thế nào? Chắc chắn chỉ có doanh nhân, doanh nghiệp. Nếu đạt được thì Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhưng như thế nào mới được đánh giá là một nền kinh tế lớn?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, lớn không chỉ bằng tiền, lớn phải ở cả trình độ văn minh và văn hóa. Đây là một thực tế mà chúng ta phải đối diện. Từ nay đến mốc đó còn 23 năm, qua trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì đều có chung một cảm nhận “còn nhiều lo lắng”.
“Văn hóa kinh doanh quốc gia của chúng ta thực sự đang có vấn đề. Không chỉ ứng xử, hành vi của doanh nhân, doanh nghiệp mà còn của tất cả những người liên quan đến hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành VCCI Khóa VII. Ảnh: Bảo Loan
Vậy, văn hóa kinh doanh liên quan đến ai? Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, đó là người tiêu dùng và báo giới. Báo giới viết như thế nào về kinh doanh, doanh nghiệp? Ứng xử ra sao với doanh nghiệp?
“Có hiện tượng doanh nghiệp làm đúng mà vẫn bị “đánh” hay không? Có hiện tượng doanh nghiệp chưa tốt đã được “nâng lên” không? Đây là văn hóa kinh doanh của một quốc gia. Văn hóa sản xuất của những người làm nhỏ lẻ có “rau hai luống, lợn hai chuồng hay không”? Đây cũng là văn hóa kinh doanh. Thể chế, luật pháp, nghị quyết được ban hành, thái độ tiếp dân, thái độ xử lý các công việc của công chức nhà nước với doanh nghiệp như thế nào? Đây cũng là văn hóa kinh doanh của một quốc gia”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thẳng thắn.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, chúng ta viết những bài rất “đậm nét” về nhân vật A, nhân vật B dùng đồ hàng hiệu như một sự ca tụng. Nhưng với những người lập nghiệp có được ca tụng như thế hay không? Những người lập nghiệp đã thành công và chưa thành công thì thái độ ứng xử như thế nào?
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành một quốc gia phát triển, với thu nhập GDP trên 1.000 tỷ USD. Ảnh: Bảo Loan
“Do đó, để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thì không chỉ có phát triển kinh tế mà văn hóa kinh doanh, văn minh mới là vấn đề lớn”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Vậy, ai là người tạo ra văn hóa kinh doanh? Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa kinh doanh chỉ có hai giới. Đó là giới chính khách, chính trị và giới doanh nhân. Lối sống, thái độ của hai nhóm này có sự ảnh hưởng rất lớn.
Do đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam muốn sánh vai với các nước thì cần phải có văn hóa và bản sắc riêng. Và muốn Việt Nam là một quốc gia phát triển thì VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn. Bởi văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa quốc gia và không tách rời. Chúng ta phải cùng tiệm cận về cách nhìn này, vì đất nước phát triển là phải có văn hóa kinh doanh quốc gia.
Ai làm được bây giờ?
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phân tích, chúng ta đưa ra 3 đột phá, đó là môi trường kinh doanh, văn hóa kinh doanh và chuyển đổi số. Nhưng môi trường kinh doanh là công việc chính của các cơ quan quản lý nhà nước. VCCI và các hiệp hội chỉ đóng vai trò phản biện, góp ý.
Nếu đạt được thì Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới. Ảnh: Bảo Loan
Còn chuyển đổi số là công việc của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải làm thì mới tạo ra sự đột phá cho chính mình. VCCI và hiệp hội chỉ giúp doanh nghiệp nhận thức đúng, định hướng đúng, chia sẻ cách làm đúng.
Văn hóa doanh nhân do từng doanh nhân tự làm, văn hóa doanh nghiệp từng doanh nghiệp phải làm. Đây là lý do vì sao nghị quyết Đại hội VII đã đưa ra. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải “nêu cao tinh thần trách nhiệm”, tiên phong xây dựng nền văn hóa kinh doanh quốc gia của Việt Nam.
“Ngược lại lịch sử chúng ta thấy, từ năm 1943 đồng chí Trường Chinh là người chắp bút viết ra đề cương văn hóa Việt Nam. Đảng thành lập từ năm 1930, nhưng 13 năm sau đã có đề cương văn hóa. Và ngày nay, chúng ta muốn xây dựng một giới, một cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thì cũng phải có đề cương văn hóa. Đây là vấn đề thiết thực và “sát sườn” của giới doanh nhân, doanh nghiệp chúng ta”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.
Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam muốn sánh vai với các nước thì cần phải có văn hóa và bản sắc riêng. Ảnh: Bảo Loan
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu ví dụ, vì sao chúng ta ký hợp đồng với doanh nhân Mỹ, Nhật là biết ngay kết quả mà không cần phải “suy nghĩ nhiều”. Trong khi, với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp lần đầu hợp tác, đối tác thường “không biết đường nào mà lần”.
Rồi chúng ta cũng sẽ phải chuyển giao thế hệ, và chắc chắc doanh nghiệp hiện nay không ai muốn con cháu mình tiếp quản một cơ nghiệp trong môi trường kinh doanh hỗn loạn. Đây là vấn đề lớn và là chiến lược đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tại sao Đại hội VII đưa ra vấn đề văn hóa kinh doanh vừa là đột phá, vừa là chiến lược? Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công lý giải, đột phá vì nó mới và chưa từng có. Chúng ta chỉ nói đến văn hóa doanh nhân và doanh nghiệp. Mọi người cũng đang hiểu văn hóa kinh doanh theo nghĩa rất hẹp, chưa hiểu theo nghĩa bao trùm.
Giới doanh nhân Việt Nam không chỉ có nhiều tiền mà phải có nhiều văn hóa. Ảnh: Bảo Loan
Nhưng cũng rất kịp thời, khi Đại hội VII đặt ra vấn đề này và sau 1 tháng thì đã diễn ra hội nghị văn hóa của Đảng. Và bây giờ văn hóa là vấn đề lớn của cả hệ thống chính trị. Cũng đúng thời điểm này, VCCI được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ tham mưu về xây dựng giới doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn tới. Khi đó, đất nước ta đã là một quốc gia phát triển.
“Lúc này, giới doanh nhân Việt Nam không chỉ là có nhiều tiền mà phải có nhiều văn hóa. Chúng ta phải là một giới doanh nhân của quốc gia văn hóa và văn minh. Do đó, tôi kêu gọi tất cả các doanh nhân cùng dấn thân xây dựng một nền văn hóa kinh doanh quốc gia. Trong đó, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chỉ là một góc, văn hóa truyền thông báo chí cũng chỉ là một phần. Chúng ta xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia sẽ chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm cuối”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Chúng ta xác định mục tiêu xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia là thúc đẩy nhiệt huyết tinh thần kinh doanh tại Việt Nam, định hướng và thúc đẩy phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, văn minh, thịnh vượng.
Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Ảnh: Bảo Loan
Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Do đó, khi xây dựng cần dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và dựa vào 3 trụ cột.
Một là, nền tảng phi vật chất, tức là các tư tưởng, triết lý, chuẩn mực đạo đức, niềm tin trong kinh doanh. Cần thiết có thể ban hành chuẩn mực đạo đức kinh doanh cho giới doanh nhân, doanh nghiệp và giới truyền thông.
Hai là, phải hình thành nên nền tảng vật chất văn hóa kinh doanh cho giới doanh nhân Việt Nam. Đó là thiết chế văn hóa như những nhà văn hóa, nhà truyền thống của doanh nhân, quốc gia...
Ba là, nền tảng con người. Con người ở đây không chỉ là doanh nhân mà bao gồm tất cả hệ thống xoay xung quanh, như các cán bộ làm công tác tại các hiệp hội doanh nghiệp, hình thành trường đào tạo của Liên đoàn để bồi dưỡng lãnh đạo các doanh nghiệp...
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp