Ngày 04/5/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-CTUBND về việc đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế.

Chỉ thị về việc đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế

Đăng ngày 08 - 05 - 2018

 Ngày 04/5/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-CTUBND về việc đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế.

Chỉ thị nêu rõ những hạn chế trong công tác đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức và tinh giản biên chế. Để đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tăng cường công tác quản lý, sử dụng biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chếtrong các cơ quan, đơn vị theo quy định của Đảng và Nhà nước; đồng thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Công văn số 540/KTNN-TH ngày 06/11/2017 về việc kiểm toán ngân sách địa phương năm2016 của tỉnh Hưng Yên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức hội được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, gồm: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Kế hoạch của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, các Chương trình hành động của Chính phủ, các Kế hoạch, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.

- Thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị của tỉnh bảo đảm tinh gọn, thu gọn đầu mối, giảm tối đa đầu mối bên trong của các sở, ban, ngành, các ban, chi cục, ban quản lý dự án và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành, chi cục, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; hợp nhất, sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có mối liên hệ chặt chẽ, bảo đảm quy mô hợp lý; giải thể các tổ chức có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả; không đề xuất việc chia tách, thành lập mới làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế (trừ trường hợp đặc biệt thật cần thiết phải thành lập tổ chức mới do yêu cầu cấp thiết phục vụ nhiệm vụ chính trị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu khi có chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh thì các cơ quan, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế được giao). Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi cơ chế, mô hình hoạt động gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 30/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; sắp xếp lại mạng lưới các trường, lớp, bố trí đủ sỹ số học sinh trên lớp theo các cấp, bậc học; sắp xếp lại mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định; xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa, tự chủ tài chính để giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc lĩnh vực Nhà nước không nhất thiết nắm giữ; xem xét hợp nhất, sáp nhập các đơn vị cùng ngành, lĩnh vực và hoạt động trên cùng một địa bàn theo quy hoạch được duyệt; chuyển đổi cơ chế, mô hình hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sang loại hình tự chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn bộ sang loại hình công ty cổ phần khi có đủ các điều kiện theo quy định.

- Thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Tách rõ biên chế công chức, biên chế sự nghiệp với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 20/11/2000 của Chính phủ; có giải pháp cơ bản chấm dứt tình trạng hợp đồng lao động ở vị trí việc làm công chức không đúng quy định trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6 năm 2019; đến năm 2021 cơ bản chấm dứt số lao động hợp đồng không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính); có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số viên chức, người lao động vượt quá số biên chế được giao trong năm 2018 (trừ các đơn vị đã tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư); hoàn thành việc xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực đối với công chức và đề án vị trí việc làm đối với viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; khảo sát, đánh giá việc bố trí biên chế giáo viên các cấp học phổ thông; thống kê, xác định nhu cầu giáo viên theo từng môn học, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp tỉnh, cấp huyện. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao cần xây dựng kế hoạch để tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định gắn với Đề án tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc của tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2015-2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh), nếu không có lý do chính đáng sẽ thực hiện cắt giảm tương ứng với số biên chế chưa sử dụng.

- Tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức; giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu cục bộ, không bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, năng lực, hoạt động kém hiệu quả.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và quy định về số lượng cấp phó. Chỉ bổ sung cấp phó trong trường hợp thật sự cần thiết; có phương án sắp xếp, bố trí số lượng cấp phó vượt quá quy định, trừ trường hợp đã có thông báo nghỉ hưu; những trường hợp còn thời gian giữ chức vụ từ đủ từ 12 tháng trở lên phải thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái để giải quyết dứt điểm số lượng cấp phó vượt quá quy định hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

Định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013), trong đó tập trung thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực, vị trí dễ phát sinh tiêu cực; định kỳ thực hiện điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá, bổ sung kịp thời những vấn đề còn tồn tại liên quan đến chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công tác điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp chung) tình hình và kết quả thực hiện trước ngày 15/11 hàng năm để báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định.

Quy định chặt chẽ việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật; Nhà nước chỉ cấp kinh phí đối với các tổ chức hội để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các tổ chức hội được hỗ trợ kinh phí hoạt động theo số lượng người làm việc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị./.

 

Đào Thị Luyến