Trong năm 2022, một trong những mặt công tác nổi bật của Bộ Tài chính đó là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tài chính. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu rà soát một số luật về thuế để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025.

Năm 2022, Bộ Tài chính đã tập trung xây dựng các đề án quan trọng trong lĩnh vực tài chính - NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách

Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát nhiều luật thuế giai đoạn 2023-2025
Ảnh: Minh họa.

Chính sách pháp luật của Bộ Tài chính trong năm qua bám sát các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nghị quyết, đề án của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thực hiện nhiều xây dựng các chính sách pháp luật là các nhiệm vụ phát sinh được giao, căn cứ yêu cầu tình hình thực tiễn, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh và bình ổn giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Tính đến ngày 15/12/2022, Bộ Tài chính đã hoàn thành 76 đề án, nhiệm vụ được giao, trong đó: trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cho ý kiến đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 3 nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các luật thuế; trình Chính phủ ban hành 17 nghị định và đang xem xét ban hành 29 dự thảo nghị định.

Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định và đang xem xét ban hành 3 dự thảo quyết định. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 68 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - NSNN.

Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát nhiều luật thuế giai đoạn 2023-2025
Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động của việc sửa đổi các luật về thuế tới ngân sách. Ảnh: TL.

Ước tính cả năm, Bộ Tài chính sẽ hoàn thành 80/85 đề án, nhiệm vụ được giao (không kể 4 nghị định, Bộ Tài chính đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin rút khỏi Chương trình công tác năm 2022, chuyển sang chương trình công tác năm 2023). Một số đề án, nhiệm vụ chậm triển khai hoặc phải xin lùi tiến độ sang năm sau do phải tiếp tục nghiên cứu đánh giá đầy đủ cơ sở hoặc phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của các đề án, nhiệm vụ khác có liên quan.

Trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế, chính sách tài chính cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực và phát huy hiệu quả chính sách.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các Báo cáo nghiên cứu rà soát các luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023-2025.

Trong đó đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nghiên cứu rà soát Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Đề án sửa đổi 3 Luật này.

Đồng thời, đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với các Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện nay Bộ Tài chính đang hoàn thiện các dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát 6 Luật này gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Xây dựng chính sách pháp luật đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả

Nhìn chung, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng các đề án năm 2022 được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Bám sát yêu cầu của thực tiễn, kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, góp phần hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Minh Anh (Thời báo Tài chính)

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-nghien-cuu-ra-soat-nhieu-luat-thue-giai-doan-2023-2025-118887.html