Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030
Ngày 22/3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân để định hình con đường tăng trưởng xanh cho Việt Nam (*).
Tư duy xây kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội thảo tham vấn “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” |
Chia sẻ tại Hội thảo tham vấn “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, phục hồi hiệu quả sau COVID-19. Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tạo ra những cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, song cũng đặt áp lực không nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh để vượt qua những thách thức, đồng thời phát huy tiềm lực, tận dụng cơ hội, đưa đất nước trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đạt được các cam kết với cộng đồng quốc tế.
Chiến lược tăng trưởng xanh được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và hành động khí hậu thông qua hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và tiếp tục được khẳng định bằng cam kết mạnh mẽ về “phát thải ròng bằng “0” (PTR0)” của Việt Nam.
Hội nghị COP26 có sự tham gia của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các cam kết và lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo nhóm hợp tác về Công cụ theo dõi PTR0 (Net Zero Tracker), 136 quốc gia - tương đương tổng lượng phát thải khí nhà kính chiếm gần 88% và đóng góp GDP khoảng 90% toàn cầu - đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” (PTR0) vào giữa thế kỷ XXI. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng. 34 quốc gia và một số ngân hàng và cơ quan tài chính cam kết tăng cường hỗ trợ các dự án bền vững hơn và ngừng tài trợ quốc tế cho "lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm nhẹ vào cuối năm 2022, trừ những trường hợp hạn chế và được xác định rõ ràng phù hợp với giới hạn nóng lên 1,5°C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris". Hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá.
Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đạt PTR0 vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng. Để hiện thực hóa các cam kết mới nhất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng tạo tiền đề cho việc xây dựng “Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm đạt được mục tiêu PTR0 năm 2050”.
Theo quan điểm của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình PTR0, cùng với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp và các ngành, tạo thành hệ thống văn bản chính sách tổng thể nhằm phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh, bền vững. Kế hoạch hành động cần đưa ra được bức tranh tổng thể về nguồn lực, qua đó tạo cơ sở để huy động hiệu quả nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực cho tăng trưởng và phục hồi xanh
Tổ chức Lao động Quốc tế dự báo, đến năm 2030, nền kinh tế xanh được dự báo tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu nếu các quốc gia có những chính sách phù hợp |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ thông tin, kinh tế xanh và kinh tế số được xem là hai động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh. Nền kinh tế xanh mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển mới với quy mô thị trường toàn cầu cho các sản phẩm, dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn các thị trường truyền thống.
Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, đến năm 2030, nền kinh tế xanh được dự báo tạo ra 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu nếu các quốc gia có những chính sách phù hợp. Nền kinh tế số với giá trị gia tăng cao, dựa trên tri thức, tạo ra nhu cầu về việc làm mới - bao gồm việc làm xanh - đã và đang hình thành, góp phần thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế - tăng trưởng xanh. Tận dụng những thành tựu của nền kinh tế số trong phát triển các mô hình quản lý, sản 4 xuất, kinh doanh và cách thức tiêu dùng mới, “thông minh” (đặc biệt với các ngành năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và sử dụng đất, tòa nhà, dịch vụ, giao thông vận tải) giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, tăng 30% sản lượng nông nghiệp, tiết kiệm 300 nghìn lít nước và 25 tỷ thùng dầu mỗi năm, mang lại lợi ích kinh tế khoảng 11 nghìn tỷ đô la Mỹ (theo tổ chức "Sáng kiến Phát triển Bền vững Toàn cầu – GeSI”), giảm 15% tổng lượng KNK toàn cầu đến năm 2030 (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và thương mại toàn cầu trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Khác với thương mại hàng hóa truyền thống, thương mại toàn cầu trong tương lai sẽ là sự giao thoa giữa thương mại hàng hóa, công nghệ và tính bền vững. Việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ có tác động đáng kể đến cách thức giao thương hàng hóa toàn cầu. Tính bền vững tiếp tục được đặt lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của quốc gia và doanh nghiệp, làm thay đổi bản chất và giá trị hàng hóa, trong đó các sản phẩm xanh sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới.
Đặc biệt, một số cơ chế thương mại mới như “Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon” (CBAM) do Châu Âu khởi xướng nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gây ô nhiễm như thép, nhôm và phân bón có thể trở thành xu hướng mới trong tương lai và được đưa vào các chương trình đàm phán, các Hiệp định thương mại. Các nước tham gia cam kết cần đề cao trách nhiệm xã hội, môi trường để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giảm phát thải KNK, từ đó mở ra nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy đầu tư, thương mại hàng hóa sản phẩm, dịch vụ xanh.
Bổ sung nhiều ngành, nghề vào Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh
Phát triển kinh tế biển xanh là một trong nhiều nội dung mới tại dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 |
Về cấu trúc, bản dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 chia thành 19 nhóm chủ đề chính, so với 4 chủ đề như giai đoạn 2011-2020 và tập trung vào các nội dung theo hai khía cạnh: các điểm kế thừa có sửa đổi, bổ sung so với kế hoạch hành động 2014-2020 và các điểm điều chỉnh, cập nhật theo kết quả COP26 và các cam kết mới của Việt Nam.
Một trong những điểm mới của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh 2021 - 2030 là quy định một số nội dung ở các ngành và lĩnh vực được tăng cường, bổ sung so với giai đoạn trước. Cụ thể như sau:
Ngành Năng lượng và công nghiệp: Tăng cường thêm các hoạt động về xây dựng các công cụ và thực thi hiệu quả hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) trong lĩnh vực năng lượng; thúc đẩy áp dụng các giải pháp BAT/BEP, công nghệ phát thải các-bon thấp; xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, làng nghề bền vững.
Ngành Giao thông vận tải: Tập trung xây dựng hệ thống giao thông vận tải xanh hiện đại có tính đồng bộ và kết nối cao; ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị; thúc đẩy phát triển và chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải.
Ngành Xây dựng: Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững có năng lực chống chịu với BĐKH và nước biển dâng; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và chống chịu với các rủi ro khí hậu; đề xuất hoạt động nghiên cứu, xây dựng Đề án, tiêu chuẩn, tiêu chí, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện công trình đạt mức phát thải cacbon bằng không theo mục tiêu đặt ra tại COP26.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH ngành; phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp xanh; chuyển đổi đất lúa và tăng cường bảo vệ, khôi phục, nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng, tăng cường khả năng hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.
Ngành Khoa học công nghệ: bổ sung định hướng tăng trưởng xanh lam, tăng trưởng số, các công nghệ thu giữ các-bon. việc dần loại bỏ đầu tư vào các dự án, công nghệ cũ lạc hậu và phát thải KNK lớn, gây hại cho môi trường. ứng dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, đầu tư thích đáng cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú ý đúng mức đến chuyển đổi số với các giải pháp về chuyển đổi số xanh được đề xuất, bao gồm tập trung xây dựng hạ tầng cho chuyển đổi số phục vụ cho thực hiện tăng trưởng xanh, ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số vào mọi hoạt động quản trị môi trường, hoạt động tăng trưởng xanh.
Ngành Du lịch: Chú trọng cụ thể hóa việc hoàn thiện thể chế cho phát triển du lịch bền vững và du lịch sinh thái.
Lĩnh vực kinh tế biển: Xây dựng nhóm giải pháp tập trung cho kinh tế biển xanh thay vì nằm rải rác trong các nội dung của Chiến lược tăng trưởng xanh và KHHĐ 2014-2020 bao gồm hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái, đa dạng sinh học ven biển và đại dương; đẩy mạnh khoa học công nghệ và thông tin về biển; xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế biển xanh phù hợp với đặc thù vùng, miền; tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng tự nhiên ở các vùng bờ biển, ven biển và đảo; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và giảm thiểu tai biến thiên nhiên vùng bờ biển và ven biển.
Lĩnh vực tiêu dùng và mua sắm xanh bền vững: Nhấn mạnh thêm một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả cho mua sắm xanh và tiêu dùng bền vững bao gồm sớm ban hành quy chế mua sắm công xanh cho chi đầu tư và chi thường xuyên; Đẩy mạnh chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn các bon, thúc đẩy công nhận nhãn sinh thái lẫn nhau giữa các nước
Các vấn đề xã hội: Tăng cường thêm các chiều cạnh xã hội và tính bao trùm đảm bảo sự tham gia của toàn xã hội, công bằng đối với mỗi người dân, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng (trực tiếp và gián tiếp) do mất/giảm cơ hội việc làm khi dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, và các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật) trong quá trình chuyển đổi xanh; Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực cho các ngành nghề xanh; Qua đó, góp phần giải quyết vấn đề cốt lõi hướng tới nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, hình thành thói quen về lối sống xanh, tiêu dùng xanh của người dân trong dài hạn.
Theo báo Kinh tế và Dự báo!