Bình ổn giá phát huy hiệu quả khi thị trường có biến động
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó, quy định cụ thể các trường hợp và biện pháp bình ổn giá. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao, hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Các biện pháp bình ổn giá chưa mang tính thực tế cao
Trên thực tế, Luật Giá hiện hành đã có quy định về vấn đề này. Báo cáo tổng kết thi hành luật về vấn đề này, Bộ Tài chính nêu rõ, về phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa, cố gắng duy trì mức giá thấp. |
Phạm vi thực hiện biện pháp chưa thật sự rõ ràng, khiến cho cơ quan quản lý khó khăn trong việc quyết định triển khai. Theo đó, cả 2 tiêu chí được nêu tại luật là khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường, hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, xã hội đều là các chỉ tiêu khó lượng hóa, gây khó khăn khi quyết định thế nào là giá biến động bất thường, hoặc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội để triển khai. Thực tiễn thì cơ chế về bình ổn giá mới chỉ được triển khai một lần đối với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và một lần thí điểm đối với giá dịch vụ bốc dỡ container.
Cũng theo Bộ Tài chính, các biện pháp để thực hiện bình ổn giá vẫn còn chưa mang tính thực tế cao, áp dụng biện pháp bình ổn giá trong thực tế từ khi Luật Giá ra đời đến nay rất khó thực thi; do đó khi lựa chọn phương pháp thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn. Vì vậy cần nghiên cứu một quy trình thống nhất, chi tiết, nguyên tắc thực hiện khi thực hiện bình ổn giá. Đặc biệt đối với việc áp dụng thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá cần được đánh giá là một quy trình bắt buộc khi thực hiện các biện pháp bình ổn giá, nhất là khi áp dụng biện pháp định giá tối đa, giá tối thiểu, giá cụ thể đối với mặt hàng bình ổn giá.
Quy định cụ thể các biện pháp bình ổn giá có thời hạn
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy định hiện hành, dự thảo luật đã quy định rõ: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện bình ổn giá trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai, hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Chưa phát huy tính linh hoạt bình ổn giá tại địa phương
Đối với việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương, mặc dù Luật cũng như các văn bản dưới Luật có quy định về quyền, trách nhiệm và các trường hợp thực hiện bình ổn giá tại địa phương theo thẩm quyền của UBND. Tuy nhiên, lại ràng buộc khi Chính phủ triển khai bình ổn giá thì các địa phương mới thực hiện theo chủ trương chung và hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, điều này làm giảm tính linh hoạt trong thực hiện chính sách bình ổn giá ở các địa phương. Đặc biệt là những vấn đề có tính cục bộ tại địa phương, khi xảy ra các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh chỉ phát sinh trên các địa bàn nhất định.
Các biện pháp bình ổn giá có thời hạn được quy định như sau: Thứ nhất, điều hòa, kiểm soát cung cầu bao gồm: điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; điều hòa hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông. Thứ hai, các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật. Thứ ba, định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá; việc định giá được thực hiện theo quy định tại mục 2 chương này. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền. Các nội dung chi tiết sẽ được Chính phủ quy định rõ”.
Hiện nay, tại Điều 17 Luật Giá quy định 7 biện pháp bình ổn giá, trong đó lập Quỹ Bình ổn giá chỉ là một biện pháp để bình ổn giá.
Về nguyên tắc thì khi phát sinh trường hợp bình ổn giá phải triển khai ngay các biện pháp để ổn định giá. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, biện pháp lập Quỹ để thực hiện bình ổn giá này không còn phù hợp. Do đó, tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gửi lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ biện pháp lập quỹ và gắn với đó đề nghị có thể xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá trong nước có thể tiệm cận hơn với giá thế giới.
Theo quy định của Luật Giá hiện hành và dự thảo luật sửa đổi sẽ có các biện pháp khác nhau để bình ổn giá như: điều hòa cung cầu hàng hóa; các công cụ về tài chính, tiền tệ; quyết định giá cụ thể/giá tối đa hoặc khung giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Do đó, thời điểm này là thích hợp để xem xét bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá.
Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá là phù hợp thực tế
Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã đề xuất bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá. Hiện nay chỉ duy nhất có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang được vận hành, do đó việc bỏ quỹ có nghĩa là bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Vấn đề này thời gian qua nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Liên quan đến việc đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá trong Luật Giá (sửa đổi), theo đó sẽ bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc đó là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo luật và đang gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tại Điều 17 Luật Giá quy định 7 biện pháp bình ổn giá, trong đó lập Quỹ Bình ổn giá chỉ là một biện pháp. Về nguyên tắc thì khi phát sinh trường hợp bình ổn giá phải triển khai ngay các biện pháp để ổn định. Vì vậy, biện pháp lập quỹ để thực hiện bình ổn giá này không còn phù hợp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu về những tác động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để từ đó cân nhắc việc bỏ hay giữ quỹ. Về bản chất của Quỹ Bình ổn giá xăng đó là góp phần ổn định được giá xăng dầu, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay việc xem xét bỏ Quỹ Bình ổn giá là phù hợp.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng, dầu trong nước theo quy định. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định. Bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá.
Trả lời báo chí mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xăng dầu cần sớm tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ quan quản lý, nếu có thể can thiệp điều tiết, bù giá thì chỉ nên dựa vào ngân sách, thông qua việc giảm thu các khoản phí, thuế từ xăng dầu. Còn bản chất Quỹ Bình ổn giá là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Khi giá xăng dầu tăng cao, phần quỹ đã được tạm ứng cho vào giá, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp. Khi giá xăng cao, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu âm quỹ cả trăm tỷ đồng. Vì vậy đề xuất bỏ quỹ là phù hợp với thực tế.
Theo Minh Anh (Thời báo Tài chính)
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/binh-on-gia-phat-huy-hieu-qua-khi-thi-truong-co-bien-dong-109173.html