Giới đầu tư nước ngoài đang tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc với quy mô chưa từng có do lo ngại rủi ro địa chính trị, quy định kinh doanh và lãi suất tăng ở những nơi khác.

Bất ngờ với làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc lớn chưa từng có

Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Làn sóng tháo chạy vốn

CNN đưa tin, theo dữ liệu gần đây nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Trung Quốc đã chứng kiến ​​dòng vốn tháo lui trị giá 17,5 tỉ USD vào tháng trước, mức cao nhất mọi thời đại. Hiệp hội thương mại có trụ sở tại Mỹ gọi đợt thoái vốn này của các nhà đầu tư nước ngoài là "chưa từng có", đặc biệt là không có làn sóng tháo chạy nào tương tự từ các thị trường mới nổi khác trong giai đoạn này. Dòng tiền thoái lui bao gồm 11,2 tỉ USD trái phiếu, trong khi phần còn lại là cổ phiếu.

Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy, sự thoái lui kỷ lục của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu trong những tháng gần đây. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán 35 tỉ nhân dân tệ (5,5 tỉ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng 2, mức giảm hàng tháng lớn nhất được ghi nhận, theo Trung tâm Lưu ký và Thanh toán bù trừ Trung Quốc. Đợt bán tháo đã tăng tốc vào tháng 3, đạt mức cao mới là 52 tỉ nhân dân tệ (8,1 tỉ USD).

Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường trái phiếu. Ảnh: Xinhua

Dòng tiền thoái lui bao gồm 11,2 tỉ USD trái phiếu, trong khi phần còn lại là cổ phiếu. Ảnh: Xinhua

Nguyên do

George Magnus - một cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford và là cựu chuyên gia kinh tế của UBS - cho rằng, lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến Nga-Ukraina là chất xúc tác khiến dòng vốn rời khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc và Nga tuyên bố hồi tháng 2 rằng, tình hữu nghị của hai nước "không có giới hạn". Đó là trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. Giờ đây, với việc nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ khắp nơi trên thế giới, Bắc Kinh không vội vàng giúp đỡ nước láng giềng phương Bắc, vì lo ngại có thể bị vướng vào các lệnh trừng phạt. Nhưng Bắc Kinh cũng giữ thái độ trung lập về cuộc chiến này.

Martin Chorzempa - một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chuyên nghiên cứu kinh tế Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung - cho hay: “Có sự lo lắng về lập trường trung lập nhưng có phần thiên về Nga của Trung Quốc trong cuộc xung đột Ukraina. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, Trung Quốc có thể bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt nếu giúp Nga”.

Nhưng căng thẳng địa chính trị không phải là lý do duy nhất đằng sau cuộc thoái lui. Việc tăng lãi suất ở Mỹ và các đợt đóng cửa nghiêm ngặt để chống COVID-19 của Trung Quốc cũng góp phần khiến các nhà đầu tư e ngại.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bước vào chu kỳ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang suy thoái. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có vẻ kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khi so sánh với Mỹ. Đầu tháng này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, là lần đầu tiên sau 12 năm. Và đồng nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng USD.

Theo ông Chorzempa, việc tăng lãi suất, đặc biệt là ở Mỹ, làm cho lợi tức danh nghĩa gắn với tài sản thu nhập cố định của Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn. Hơn nữa, các đợt phong toả ở Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế lớn và làm gia tăng sự không chắc chắn về tăng trưởng trong tương lai.

Kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 3.2022. Ảnh: Xinhua

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 3 - tiêu dùng sụt giảm lần đầu tiên sau hơn một năm, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn tăng lên mức cao kỷ lục. Một số nhà kinh tế thậm chí đang nói về khả năng xảy ra suy thoái trong quý này.

Trong tuần qua, một số ngân hàng đầu tư đã giảm dự báo về tăng trưởng cả năm của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF giảm dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc xuống 4,4% từ mức 4,8%. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo chính thức của Trung Quốc là khoảng 5,5%.

Bất định về tương lai

Với những lo lắng ngày càng gia tăng, một số nhà quản lý quỹ và nhà phân tích đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu họ có nên đầu tư vào Trung Quốc hay không.

Brock Silvers - Giám đốc điều hành của Kaiyuan Capital, một công ty đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải - cho biết, Trung Quốc đang chứng kiến ​​dòng vốn nước ngoài chảy ra ồ ạt khi nghi ngờ gia tăng về khả năng đầu tư cơ bản của nước này.

Đại dịch không phải là lý do duy nhất đằng sau sự suy thoái của Trung Quốc. Từ năm 2020, Bắc Kinh đã áp dụng những quy định sâu rộng với khu vực tư nhân, từ giáo dục đến công nghệ.

Một bộ quy tắc được công bố vào tháng 7 năm ngoái về cơ bản đã đóng cửa ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỉ USD, khiến hàng chục nghìn công ty ngừng kinh doanh. Một quyết định khác của các cơ quan quản lý nhằm cấm Didi - ứng dụng gọi xe lớn nhất của đất nước - vài ngày sau khi IPO tại Mỹ đã khiến các nhà đầu tư quốc tế choáng váng và khiến họ phải trả giá đắt. Các quyết định này đã dẫn đến một đợt bán tháo mạnh chứng khoán Trung Quốc trên toàn thế giới.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon, một chỉ số phổ biến theo dõi hơn 90 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã mất 31% trong quý III/2021, quý tồi tệ nhất được ghi nhận. Sau đó, chỉ số này lại giảm thêm 14% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Để so sánh, S&P 500 đã tăng lần lượt 0,2% và 11% trong quý 3 và 4 năm ngoái. Nasdaq Composite cũng tăng 8% trong quý cuối cùng của năm 2021.

Tín hiệu sáng sủa

Theo CNN, trong bối cảnh các quỹ trái phiếu và cổ phiếu có thể thoái lui, có bằng chứng cho thấy, các công ty toàn cầu vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

FDI vào Trung Quốc vẫn tăng. Ảnh: Xinhua

Các công ty toàn cầu vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 173 tỉ USD vào năm 2021, tăng 20% ​​so với năm trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát thường niên do Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu thực hiện tại Trung Quốc vào năm ngoái, chỉ 9% trong số gần 600 công ty Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc có kế hoạch chuyển bất kỳ khoản đầu tư hiện tại hoặc dự kiến ​​nào ra khỏi Trung Quốc, tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận.

Ông Chorzempa lưu ý, Bắc Kinh thu hút được mức FDI kỷ lục bất chấp sự không chắc chắn về các quy định. “Vì vậy, không rõ liệu dữ liệu từ hai tháng qua có thể hiện sự thay đổi lâu dài hay chỉ là sự điều chỉnh lại tạm thời đối với mối quan hệ đầu tư vẫn rất bền chặt, đặc biệt là với Châu Âu” - ông Chorzempa cho hay.

Theo Khánh Minh (Báo Lao động)

https://laodong.vn/kinh-te/bat-ngo-voi-lan-song-thoai-von-khoi-trung-quoc-lon-chua-tung-co-1037930.ldo