Tại chương trình tọa đàm "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" tổ chức vào ngày 18/3, để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay.

Chủ đề của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới", nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong giao dịch, đặc biệt là môi trường thương mại điện tử phát triển mạnh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài trong hơn 2 năm qua, việc mua bán hàng hóa thông qua thương mại điện tử trở nên phổ biến, mang lại sự tiện lợi đối với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc mua bán này đôi khi vượt qua sự giám sát quản lý của cơ quan chức năng, khiến cho người tiêu dùng bị thua thiệt trước những hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí khách hàng trả tiền trước mà không được giao hàng.

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường "bùng nổ" thương mại điện tử
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong môi trường "bùng nổ" thương mại điện tử. Ảnh: Hải Anh

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thường xuyên nhận được nhiều phản ánh về các trường hợp nhờ bảo vệ của người tiêu dùng. Trong số này phổ biến là hành vi đặt mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt nhưng có vấn đề về chất lượng, giấy tờ giao dịch.

Cùng với đó là tình trạng người tiêu dùng bị hủy đơn hàng tự động với lý do người giao hàng không liên hệ được người mua nhưng thực tế, người tiêu dùng không hề nhận được bất kỳ liên hệ nào của bên giao hàng.

Hơn nữa, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng cũng thường xuyên xuất hiện, chưa kể khi người tiêu dùng có nhu cầu đổi, trả hàng, nhiều người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ Công thương triển khai thông qua nhiều bộ công cụ, chương trình hành động thiết thực.Đấy là chưa kể tới việc thời gian gần đây dịch Covid-19 bùng phát, khiến các sản phẩm hỗ trợ chống dịch cháy hàng. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này liên tục tăng phi mã do các tiểu thương tự ý nâng giá theo kiểu nước nổi bèo nổi. Không dừng lại ở đó, thời gian vừa qua, sự việc nhiều cửa hàng xăng dầu trên cả nước liên tục treo biển nghỉ hoặc hết hàng trước ngày điều chỉnh giá đã gây bức xúc trong dư luận.

Trong đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và sự phát triển, bộ luật này bắt buộc phải sửa đổi, dự kiến sẽ bổ sung những quy định về sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều kiện liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao…, là những đối tượng rất cần phải có những quy định để bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó là những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng.

Công cụ thứ hai có thể thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Tổng đài tư vấn miễn phí 18006838. Chỉ riêng năm 2021, tổng đài đã nhận được 13.000 cuộc gọi của người tiêu dùng./.

Theo Nguyễn Vân - Thời báo tài chính Việt Nam!