“92% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19”
Kết quả điều tra PCI 2021 cho biết COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng nhóm doanh nghiệp.
VCCI vừa công bố Báo cáo PCI 2021. Kết quả PCI 2021 nhấn mạnh có tới 92% doanh nghiệp (cụ thể, 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Lễ công bố Báo cáo PCI 2021 thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều khó khăn trong quản lý và đứt gãy chuỗi cung ứng
Tự thực tiễn tiếp xúc với doanh nghiệp, GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cho biết tác doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý và tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như tiếp cận khách hàng quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp nhiều vấn đề hơn trong việc đảm bảo số lao động có thể tham gia sản xuất.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu coi đây là mối quan tâm hàng đầu, với gần 75% phản ánh khó khăn về nhân lực.
Các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa chủ yếu gặp trở ngại trong việc tiếp cận khách hàng trong nước, với 61% doanh nghiệp FDI và 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước coi đây là khó khăn hàng đầu.
Vấn đề lớn cuối cùng là thiếu hụt dòng tiền, một khó khăn phổ biến nhưng tập trung nhiều hơn ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI.
Các doanh nghiệp FDI ít bị ảnh hưởng hơn bởi vấn đề này do doanh số bán hàng cao hơn, cơ sở khách hàng đa dạng hơn và khả năng tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn và tài chính thay thế.
Với tác động của COVID-19 về mặt nhân lực báo cáo của VCCI cho biết năm 2021, 33% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 18% doanh nghiệp FDI đã tiến hành cắt giảm số lao động. Trung bình, mỗi doanh nghiệp tư nhân trong nước buộc phải sa thải 4 hoặc 5 lao động, tùy theo doanh nghiệp có định hướng thị trường nội địa hay xuất khẩu. Trung bình, doanh nghiệp tư nhân trong nước đã cho thôi việc khoảng 50% lực lượng lao động.
Khoảng 18% doanh nghiệp FDI cũng đã cắt giảm số lao động, với quy mô cắt giảm trung vị là 4 người, chiếm 17% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp quy mô trung bình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cắt giảm tới khoảng 10 lao động trong mỗi doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là tính tổng cộng đã có gần một nửa số lao động làm việc trong các doanh nghiệp định hướng nội địa và xuất khẩu bị cho thôi việc.
Đây là mức tăng 20 điểm phần trăm so với năm 2020. Một số nhà xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc, đã sa thải một lượng lớn lao động. Bốn mươi hai doanh nghiệp FDI (2,6%) đã sa thải ít nhất 100 người và bốn doanh nghiệp đã cho thôi việc 400 người lao động trở lên.
Báo cáo PCI cho biết, với các doanh nghiệp FDI, họ ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Cùng với đó các doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu dự báo mức doanh thu thấp nhất trong năm 2021, phản ánh tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, doanh thu của nhóm này vẫn cao hơn đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp khác. Khả năng phục hồi nhanh chóng, quy mô về nguồn lực tài chính, công nghệ là các yếu tố then chốt quyết định đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh của mình.
“Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 56% báo lỗ. Các doanh nghiệp FDI định hướng thị trường nội địa cũng hoạt động kém hiệu quả hơn, với gần một nửa doanh nghiệp nhóm này (49%) báo lỗ. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang rất khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh bớt tệ hơn đôi chút. Gần 40% cả hai nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước xuất khẩu và định hướng thị trường nội địa báo cáo thua lỗ trong năm qua, cao hơn một chút so với năm 2020”, báo cáo PCI nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trực tiếp
Để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do COVID-19 gây ra, nhóm nghiên cứu PCI khuyến nghị các doanh nghiệp tư nhân định hướng thị trường nội địa đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và rất cần được hỗ trợ trực tiếp.
“Mối quan tâm số một của họ là thiếu hụt dòng tiền. Để tồn tại được qua đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp này đã phải cắt giảm lao động và và tiền lương thông qua những điều chỉnh hợp đồng lao động cũng như giảm thời gian làm việc.
PCI là bộ chỉ số hợp thành bởi các chỉ số thành phần, như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, môi trường kinh doanh...
Nhiều doanh nghiệp phản hồi họ không được hưởng lợi từ các chương trình miễn giảm thuế, vì họ có ít lợi nhuận và mới bắt đầu có doanh số bán hàng trở lại, do đó biện pháp hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng có tác động không lớn đối với họ”, Báo cáo PCI nhấn mạnh.
Cũng theo Báo cáo PCI, các chương trình trợ cấp trực tiếp, cho vay có bảo đảm và hỗ trợ người lao động là cấp thiết hơn với doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu để mở rộng thị trường và bán hàng thông qua các phương thức thương mại điện tử và internet cũng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong nỗ lực “vượt khó” lớn thứ hai là tiếp cận người tiêu dùng trong nước.
>>PCI 2021: Đắk Nông tăng 8 bậc, đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư
Cùng với đó, báo cáo PCI nhấn mạnh các doanh nghiệp tư nhân định hướng xuất khẩu cần được hỗ trợ nhiều hơn bằng những điều chỉnh chính sách trung hạn để tham gia tốt hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế thông qua bán hàng cho người mua nước ngoài tại Việt Nam hoặc người mua ở nước ngoài. Tổ chức các chương trình kết nối với đối tác kinh doanh mục tiêu có thể rất hữu ích đối với nhóm này.
“Hỗ trợ thêm trong trung hạn để các doanh nghiệp tư nhân định hướng xuất khẩu triển khai chuyển đổi số/tự động hóa công việc, đặc biệt là số hóa các dịch vụ, sử dụng rô bốt công nghiệp và học máy trong phân tích dữ liệu có thể giúp họ tạo ra những cải thiện lớn về năng suất”, báo cáo PCI nhấn mạnh.
Báo cáo PCI nhấn mạnh các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch cần được thiết kế sát với nhu cầu, khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp mới có thể phát huy hiệu quả kỳ vọng.
Với các doanh nghiệp FDI có nhiều nguồn lực hơn để sử dụng và đã tự trang bị tốt hơn để đảm bảo an toàn người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh, cũng như thay đổi công cụ làm việc để giải quyết những thách thức mới.
“Dù vậy, một số thay đổi chính sách cũng có thể giúp ích cho nhóm doanh nghiệp này. Như việc đảm bảo mở cửa quốc tế an toàn thông qua các chính sách nới lỏng nhập cảnh với du khách và doanh nhân trong khi vẫn duy trì yêu cầu tiêm đủ vắc xin và xét nghiệm nhanh sẽ giúp đẩy mạnh cơ hội tăng doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp FDI cung ứng dịch vụ, đồng thời vẫn đảm bảo giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh dẫn đến tình trạng phong tỏa trở lại”, nhóm chuyên gia PCI nhấn mạnh.
Theo Đỗ Huyền (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
https://diendandoanhnghiep.vn/92-phan-tram-doanh-nghiep-chiu-anh-huong-tieu-cuc-boi-covid-19-221979.html