Từ năm 2018, nhiều vướng mắc trong cổ phần hóa được tháo gỡ
Từ năm 2018, nhiều vướng mắc trong cổ phần hóa được tháo gỡ
(TBTCO) - Nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 – 2016 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình, làm rõ tại Quốc hội chiều 28/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại Quốc hội chiều 28/5. Ảnh: P.V
Cần cơ sở pháp lý cao hơn cho cổ phần hóa
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cơ bản đồng tình với báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hoá (CPH) DNNN, đồng thời cũng bổ sung thêm vào một số nội dung, đánh giá của báo cáo.
Cụ thể, về nội dung tồn tại, hạn chế mà báo cáo giám sát nêu là một số chủ trương, chính sách chậm được thể chế hóa, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tế báo cáo cũng thể hiện một cách đầy đủ rằng, trong bất kỳ giai đoạn nào, đều có văn bản pháp luật ở các cấp độ khác nhau như luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, các thông tư của các bộ, ngành quy định điều chỉnh việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN. Do đó, có thể thấy là “không có khoảng trống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và CPH DNNN", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN và CPH DNNN là một nội dung mang tính phức tạp, gắn với sự đổi mới của nền kinh tế và đòi hỏi phải có sự cập nhật, đổi mới hoàn thiện theo từng thời kỳ cho phù hợp. Do đó, việc kịp thời cập nhật, hoàn thiện cơ chế chính sách gắn với sự đổi mới, hội nhập của nền kinh tế là cần thiết. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính tán thành kiến nghị của đoàn giám sát và cho rằng, cần phải xây dựng một cơ sở pháp lý cao hơn cấp nghị định của Chính phủ cho CPH DNNN.
Đối với một số vướng mắc trong CPH giai đoạn 2011 - 2016 như thời gian CPH, xác định giá trị DN, xác định giá khởi điểm chào bán, chính sách bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, xử lý về tài chính, về công nợ… Bộ trưởng cho biết, những vấn đề này đã được định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 12 của Trung ương và vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 tháo gỡ được nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bổ sung thêm nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này là các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN của các bộ, ngành và DN trong thời gian vừa qua nhiều lúc, nhiều nơi còn hạn chế và bị vi phạm.
Đánh giá đầy đủ về hiệu quả, vai trò của DNNN
Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011 - 2016 cần được đánh giá gắn với bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước ta. Đồng thời, đánh giá cũng phải gắn với tiến trình CPH, thoái vốn nhà nước trong bối cảnh sắp xếp đổi mới DNNN được đẩy mạnh, nên quy mô của khu vực DNNN có thay đổi.
Mặt khác, DNNN là khu vực chính thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ sản phẩm công ích và những địa bàn khó khăn. Đây là những lĩnh vực, địa bàn kinh doanh hiệu quả không cao, hoặc không thuận lợi nên cũng ảnh hưởng giảm chỉ tiêu lợi nhuận chung khi đánh giá hiệu quả của DNNN. Bởi theo định hướng, DNNN được giao những lĩnh vực, địa bàn các thành phần kinh tế khác không làm. Do đó, đánh giá hiệu quả DNNN phải lưu ý đặc điểm này để đảm bảo phản ánh chính xác quy mô, vai trò hiệu quả của DNNN.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, DNNN là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đối phó với biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.
Nghị định 126 tháo gỡ nhiều vướng mắc
Theo báo cáo cũng như ý kiến đại biểu nêu, trong quá trình CPH có những vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số DN sử dụng nhiều diện tích đất “vàng” tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi CPH.
Thực tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian UBND tỉnh, thành phố trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm, dẫn đến việc phải kéo dài thời gian điều chỉnh tiến độ CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình CPH DNNN, phản ánh chưa đầy đủ giá trị DN khi CPH cũng như nguyên nhân một số DN, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi CPH.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và có hiệu lực từ 1/1/2018, đã cơ bản khắc phục các vướng mắc của giai đoạn trước mà nhiều đại biểu đã nêu.
Quản lý đất đai yếu kém làm chậm cổ phần hóa
Riêng về giá trị quyền sử dụng đất trong CPH DNNN, chính sách CPH trước đây và tại Điều 30 của Nghị định 126 hiện nay đều quy định các DNNN khi CPH phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất trước thời điểm quyết định CPH. Phương án sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của DN và phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong quá trình CPH DNNN, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN là rất quan trọng. Quan trọng hơn là sau CPH, chính quyền địa phương nơi DN có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi DN có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất và trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai.
Tuy nhiên, vừa qua chúng ta chưa làm được điều này, không làm rõ trách nhiệm, thiếu minh bạch, gây thất thoát. Do đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị siết chặt hơn việc quản lý đất đai, đặc biệt là kiểm định việc chuyển đổi mục đích. "Đây là yếu kém trong khâu quản lý sử dụng đất đai, nếu nói là trong CPH thì tôi e là chưa hẳn thuyết phục", Bộ trưởng nhận xét.
Thực tế, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng tiến độ CPH thoái vốn những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm, chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện và vẫn do những nguyên nhân như báo cáo của đoàn giám sát đã nêu, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi CPH còn rất chậm. Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bộ Tài chính không định giá DN khi cổ phần hóa Giải thích về ý kiến đại biểu cho rằng cán bộ ngành Tài chính đánh giá tài sản trong quá trình CPH, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, các văn bản pháp luật từ trước đến nay không quy định Bộ Tài chính đánh giá giá trị tài sản mà chủ sở hữu là bộ, ngành, UBND các tỉnh và DN đề xuất thuê tư vấn xác định giá trị DN. Giá trị DN do bộ, ngành và UBND tỉnh phê duyệt, còn DN lớn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính tham gia khi có yêu cầu của Thủ tướng. |
* Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum):
Tăng cường thanh tra, găn ngừa trục lợi trong cổ phần hóa
Đại biểu Tô Văn Tám |
Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu, cũng như những đóng góp quan trọng của DNNN trong sự phát triển kinh tế của đất nước, xứng đáng là một thành tố quan trọng trong thực hiện vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DNNN vẫn chưa được như mong đợi.
Cử tri và dư luận vẫn rất lo ngại sự trục lợi, lợi ích nhóm, những quan hệ không rành mạch trong định giá, hay việc thông thầu khi đấu giá trong quá trình thực hiện CPH dẫn đến thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước. Hay tình trạng đẩy giá mua bán DNNN làm Nhà nước thiệt hại khi mua cổ phần. Lo ngại này của cử tri và dư luận tác động đáng kể đến sự nhìn nhận và đánh giá của cử tri đối với tiến trình CPH. Bởi vậy, Chính phủ cần thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật về CPH để bịt kín các lỗ hổng, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý, nhất là các quy định về xác định giá trị tài sản vô hình của DN để làm cơ sở vững chắc khi chúng ta tiến hành xác định giá trị tài sản.
Tăng cường, chỉ đạo thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện CPH, cũng như phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục các bất cập, tồn tại, hạn chế trong CPH để tiến trình thực hiện CPH của chúng ta tốt hơn.
* Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ):
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ
Đại biểu Hoàng Quang Hàm |
Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại DN để phù hợp với chủ trương của Đảng là “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nắm cổ phần, vốn góp chi phối”. Lưu ý không chỉ mở rộng khái niệm bổ sung thêm DNNN bao gồm cả DNNN nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối mà cần có cơ chế quản lý phù hợp với mức độ vốn chi phối của Nhà ước; mức độ chi phối khác nhau cần có cơ chế và phương thức quản lý khác nhau.
Đồng thời, cần rà soát và xử lý dứt điểm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương là đến năm 2020 “Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài”. Không chỉ đối với 12 dự án của ngành Công thương mà cần rà soát tổng thể các dự án, các DN thua lỗ khác, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Không để tình trạng tiếp tục mất vốn do thua lỗ kéo dài hoặc tình trạng nhiều tài sản không sử dụng hao mòn theo thời gian, chi phí lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản … vẫn phát sinh, để cử tri và nhân dân yên tâm.
Cần phải quyết liệt hơn để xử lý, vì nhiều vấn đề càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng. Những trường hợp cụ thể, cơ chế chính sách hiện hành không đủ, nên xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội để xử lý dứt điểm.
* Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội):
Ngăn chặn hiện tượng “xẻ thịt” DNNN để thu lợi cá nhân
Đại biểu Nguyễn Anh Trí |
Về CPH, qua báo cáo chúng tôi thấy, nguyên nhân chậm tiến độ và kém hiệu quả trước hết là do thiếu quyết liệt, thiếu quyết tâm. Nếu chúng ta vào cuộc CPH như quyết tâm thống nhất nước nhà thì tất cả những lý do đều được dẹp bỏ. Chắc chắn ở đây chúng ta thấy rõ, những người có trách nhiệm trong DN CPH còn lúng túng, còn mơ hồ, thiếu quyết tâm và hơn thế nữa là còn lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo DN sau CPH. Cử tri còn cho rằng sự chậm trễ, thất thoát của CPH còn cả vì lợi ích nhóm, hiện tượng "xẻ thịt" DNNN để mang lợi ích cho chính cá nhân mình, gia đình mình, bạn bè mình là có. Cử tri mong muốn Đảng và Chính phủ tiếp tục vào cuộc thật nghiêm khắc để ngăn chặn cho được tình trạng này.
Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước, có hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" của kinh phí đầu tư cho các dự án.
Mặc dầu bức tranh kinh tế Việt Nam đang khởi sắc, tuy nhiên thu vẫn chưa bù chi. Kính mong Quốc hội, Chính phủ sau kỳ họp này cần xem lại tất cả vấn đề trên, thật thấu đáo như chủ trương đầu tư, chuẩn bị dự án, tổ chức thực hiện dự án, hệ thống luật, lệ để đảm bảo cho việc thực hiện dự án, hoạt động giám sát, kiểm toán, công tác tổ chức cán bộ tại các dự án... để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CPH ở Việt Nam, để có nhiều dự án tốt, hiệu quả cho đất nước. H.Y (lược ghi)
* Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định):
Phát hiện sai phạm, thu hồi lại DNNN
Đại biểu Lê Công Nhường |
Chúng ta có đánh giá về trình tự, thủ tục CPH, pháp luật hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, hài hòa quyền, lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư, người lao động tại DN. Nhưng chúng ta vẫn còn bỏ sót việc đánh giá CPH này với người tiêu dùng và xã hội. Có những công ty chúng ta vẫn phải giữ phần vốn lớn. Ví dụ như Hungary, trước đây họ CPH các công ty cấp nước nhưng sau thời gian hoạt động 10, 20 năm thì các công ty này tăng giá nước và Chính phủ Hungari phải bỏ tiền mua lại với giá cao gấp mấy chục lần, đó là một bài học.
Tôi cho rằng khi chúng ta thanh tra, kiểm tra đối với những DN phát hiện có sai phạm chúng ta nên có cơ chế được thu hồi lại, trả những DN này về cho Nhà nước. Ví dụ như cảng Quy Nhơn khi CPH thì không đạt được mục tiêu an ninh quốc phòng cũng như xảy ra sự cố biến động về báo lũ thì các tàu thuyền cũng không được ưu tiên vào, cũng như chi phí logistic ngày càng lớn.
Theo Hoàng Yến(Thời báo tài chính)